로고

「환경보호법」

• 국가‧지 역: 베트남 • 법률번호: 제55/2014/QH13호 • 제정일: 2014년 06월 23일 • 시행일: 2015년 01월 01일

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường. 베트남사회주의공화국 헌법에 근 거하여, 국회는 환경보호법을 공포한다.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác.

3. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

4. Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.

6. Tiêu chuẩn môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường.

7. Sức khỏe môi trường là trạng thái của những yếu tố vật chất tạo thành môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người.

8. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

9. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

10. Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

11. Chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm.

12. Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

13. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

14. Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

15. Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

16. Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.

17. Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi.

18. Kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.

19. Hồ sơ môi trường là tập hợp các tài liệu về môi trường, tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật.

20. Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.

21. Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

22. Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

23. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

24. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải và quan trắc môi trường.

25. Khí nhà kính là các khí trong khí quyển gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

26. Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

27. Tín chỉ các-bon là sự chứng nhận hoặc giấy phép có thể giao dịch thương mại liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.

28. An ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia.

29. Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự.

Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

2. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

3. Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.

4. Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia.

5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

6. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường.

8. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường.

3. Bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

4. Ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

5. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường.

6. Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

7. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

8. Phát triển khoa học, công nghệ môi trường; ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường.

9. Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.

10. Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Điều 6. Những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích

1. Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

2. Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

3. Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

4. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-dôn.

5. Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

6. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

7. Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.

8. Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.

9. Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.

10. Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.

11. Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.

12. Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.

Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.

3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

8. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.

11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.

13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.

15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.

16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.

Chương II QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Mục 1 QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 8. Nguyên tắc, cấp độ, kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững; b) Bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường; c) Bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4 của Luật này.

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 02 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

3. Kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.

Điều 9. Nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu; b) Phân vùng môi trường; c) Bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng; d) Quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông; đ) Quản lý chất thải; e) Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường; g) Các bản đồ quy hoạch thể hiện nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản này; h) Nguồn lực thực hiện quy hoạch; i) Tổ chức thực hiện quy hoạch.

2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 10. Trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức xây dựng nội dung hoặc lập quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Điều 11. Tham vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Tham vấn trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia; b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng thẩm định liên ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia; b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh sau khi lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch bảo vệ môi trường là 05 năm kể từ ngày quy hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt.

2. Việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được thực hiện theo quy định tại các điều 8, 9, 10 và 11 của Luật này và pháp luật có liên quan.

Mục 2 ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Điều 13. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm:

a) Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế; b) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; c) Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp; d) Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 02 tỉnh trở lên; đ) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường; e) Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của đối tượng thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này.

2. Chính phủ quy định danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Điều 14. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

2. Đánh giá môi trường: chiến lược phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Trên cơ sở thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định.

Điều 15. Nội dung chính của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Sự cần thiết, cơ sở pháp lý của nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

2. Phương pháp thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

3. Tóm tắt nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội của vùng chịu sự tác động bởi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

5. Đánh giá sự phù hợp của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường.

6. Đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

7. Đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

8. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

9. Giải pháp duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

10. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiến nghị hướng xử lý.

Điều 16. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; b) Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình; c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

2. Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập.

3. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tổ chức điều tra, đánh giá thông tin trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan.

Điều 17. Tiếp thu ý kiến thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định.

2. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược báo cáo bằng văn bản kết quả thẩm định cho cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Mục 3 ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 18. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; b) Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; c) Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

2. Chính phủ quy định danh mục dự án quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 19. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.

2. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

3. Kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường thể hiện dưới hình thức báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Chi phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc nguồn vốn đầu tư dự án do chủ dự án chịu trách nhiệm.

Điều 20. Lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau:

a) Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; b) Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; c) Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 21. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của dự án.

2. Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

3. Các dự án không phải thực hiện tham vấn gồm:

a) Phù hợp với quy hoạch của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; b) Thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Điều 22. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.

2. Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

3. Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.

4. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

5. Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

6. Biện pháp xử lý chất thải.

7. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

8. Kết quả tham vấn.

9. Chương trình quản lý và giám sát môi trường.

10. Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

11. Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Điều 23. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sau:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; b) Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh; c) Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 24. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.

2. Thành viên hội đồng thẩm định và cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.

3. Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án để thực hiện.

Điều 25. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho chủ dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc sau:

a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư; b) Cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản; c) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí; d) Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng; đ) Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

Điều 26. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt

1. Thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Trường hợp thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật này, chủ đầu tư dự án phải giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 27. Trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành

1. Tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư dự án được quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án. Trường hợp phải phân tích các chỉ tiêu môi trường phức tạp thì thời gian cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Mục 4 KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 29. Đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

2. Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Địa điểm thực hiện.

2. Loại hình, công nghệ và quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng.

4. Dự báo các loại chất thải phát sinh, tác động khác đến môi trường.

5. Biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

6. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Điều 31. Thời điểm đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

Chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 29 của Luật này phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 của Luật này xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 32. Trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của những dự án sau:

a) Dự án nằm trên địa bàn 02 huyện trở lên; b) Dự án trên vùng biển có chất thải đưa vào địa bàn tỉnh xử lý; c) Dự án có quy mô lớn và có nguy cơ tác động xấu tới môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trừ dự án quy định tại khoản 1 Điều này; Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn một xã.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này phải xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; trường hợp không xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 33. Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận

1. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

2. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.

3. Hợp tác và cung cấp mọi thông tin có liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm tra, thanh tra.

4. Lập và đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi địa điểm; b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

5. Trường hợp dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Điều 34. Trách nhiệm của cơ quan xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận.

2. Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Phối hợp với chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý sự cố môi trường xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Chương III BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Điều 35. Bảo vệ môi trường trong điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

1. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học phải được điều tra, đánh giá thực trạng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng hợp lý; xác định giới hạn cho phép khai thác, mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học, bồi thường thiệt hại về môi trường, các biện pháp khác để bảo vệ tài nguyên và môi trường.

2. Việc điều tra, đánh giá và lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng

Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác tác động đến môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học liên quan đến rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học, về bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 37. Bảo vệ môi trường trong điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên

1. Việc điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải tuân thủ quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải có nội dung về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường; phải phục hồi môi trường theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 38. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường như sau:

a) Thu gom và xử lý nước thải theo quy định của pháp luật; b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn; c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; d) Phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; đ) Ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường.

3. Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện quy định của Luật này và pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở này.

Chương IV ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Điều 39. Quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng, triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý của mình.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ xây dựng, tổ chức thực hiện, hướng dẫn các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 40. Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

1. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Điều 13 của Luật này.

2. Việc tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động qua lại giữa các hoạt động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với môi trường, biến đổi khí hậu và xây dựng hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 41. Quản lý phát thải khí nhà kính

1. Nội dung quản lý phát thải khí nhà kính gồm:

a) Xây dựng hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính; b) Thực hiện các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; c) Quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các- bon rừng, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái; d) Kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đ) Hình thành và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường tín chỉ các-bon thế giới; e) Hợp tác quốc tế về giảm nhẹ khí nhà kính.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm kê khí nhà kính, xây dựng báo cáo quốc gia về quản lý phát thải khí nhà kính phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 42. Quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

1. Ưu tiên xây dựng, thực hiện chính sách, kế hoạch quản lý, giảm thiểu, loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

2. Cấm sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 43. Phát triển năng lượng tái tạo

1. Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.

2. Khuyến khích sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo.

Điều 44. Sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Điều 45. Thu hồi năng lượng từ chất thải

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Điều 46. Quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

2. Cộng đồng có trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 47. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên gồm:

a) Phát triển ngành và liên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng; b) Hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại trong giảm nhẹ khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, sản xuất trọng điểm, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh.

2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện hoặc tham gia hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 48. Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Nhà nước có chính sách hợp tác quốc tế thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh.

2. Chính phủ quy định lộ trình, phương thức tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cam kết tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương V BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 49. Quy định chung về bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến biển và hải đảo phải có nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Nguồn phát thải từ đất liền, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo phải chủ động ứng phó sự cố môi trường và có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan khác trong ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo.

5. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác nguồn lợi từ biển, hải đảo, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, khu di sản tự nhiên và hải đảo phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường.

Điều 50. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo

1. Chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo phải được thống kê, phân loại, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Dầu, mỡ, dung dịch khoan, nước dằn tàu, hóa chất và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động trên biển và hải đảo sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

3. Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải tuân thủ các điều ước quốc tế về biển và hải đảo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 51. Phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển và hải đảo có nguy cơ gây sự cố môi trường phải có kế hoạch, nguồn lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cảnh báo, thông báo kịp thời về sự cố môi trường trên biển và tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả.

Chương VI BẢO VỆ MÔI RƯỜNG NƯỚC, ĐẤT VÀ KHÔNG KHÍ

Mục 1 BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC SÔNG

Điều 52. Quy định chung về bảo vệ môi trường nước sông

1. Bảo vệ môi trường nước sông là một trong những nội dung cơ bản của quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sông.

2. Nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông.

3. Chất lượng nước sông, trầm tích phải được theo dõi, đánh giá.

4. Bảo vệ môi trường lưu vực sông phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông.

5. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý chất thải trước khi xả thải vào lưu vực sông theo quy định của pháp luật.

Điều 53. Nội dung kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông

1. Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý chất thải đổ vào lưu vực sông.

2. Định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích.

3. Điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông.

4. Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.

5. Quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích sông xuyên biên giới và chia sẻ thông tin trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.

7. Công khai thông tin về môi trường nước và trầm tích của lưu vực sông cho các tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng nước sông.

Điều 54. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông nội tỉnh

1. Công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông.

2. Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông.

3. Tổ chức đánh giá sức chịu tải của sông; ban hành hạn ngạch xả nước thải vào sông; công bố thông tin về những đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

4. Tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông.

5. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông.

Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với bảo vệ môi trường nước lưu vực sông

1. Đánh giá chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông liên tỉnh và xuyên biên giới.

2. Điều tra, đánh giá sức chịu tải, xác định hạn ngạch xả nước thải phù hợp với mục tiêu sử dụng nước và công bố thông tin.

3. Ban hành, hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước và trầm tích lưu vực sông.

4. Ban hành, hướng dẫn việc đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, hạn ngạch xả nước thải vào sông liên tỉnh, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm.

5. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.

6. Tổ chức đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm, mức độ thiệt hại và tổ chức xử lý ô nhiễm lưu vực sông liên tỉnh.

7. Tổng hợp thông tin về chất lượng môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

8. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh.

Mục 2 BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CÁC NGUỒN NƯỚC KHÁC

Điều 56. Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch

1. Nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước.

2. Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ.

3. Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập kế hoạch bảo vệ, điều hòa chế độ nước của hồ, ao, kênh, mương, rạch; lập và thực hiện kế hoạch cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, kênh, mương, rạch gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước và làm mất mỹ quan đô thị.

Điều 57. Bảo vệ môi trường hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện

1. Việc xây dựng, quản lý và vận hành hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện phải gắn với bảo vệ môi trường.

2. Không được lấn chiếm diện tích, đổ chất thải rắn, đất, đá vào hồ; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào hồ.

3. Cơ quan quản lý hồ chứa nước phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện có trách nhiệm quan trắc môi trường nước hồ định kỳ tối thiểu 03 tháng một lần.

Điều 58. Bảo vệ môi trường nước dưới đất

1. Chỉ được sử dụng các loại hóa chất trong danh mục cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thăm dò, khai thác nước dưới đất.

2. Có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất qua giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất. Cơ sở khai thác nước dưới đất có trách nhiệm phục hồi môi trường khu vực thăm dò, khai thác. Các lỗ khoan thăm dò, lỗ khoan khai thác không còn sử dụng phải được trám lấp theo đúng quy trình kỹ thuật.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không để rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại và chất thải phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.

4. Kho chứa hóa chất, cơ sở xử lý, khu chôn lấp chất thải nguy hại phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, có biện pháp ngăn cách hóa chất độc hại ngấm vào nguồn nước dưới đất theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nước dưới đất phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm nước dưới đất.

Mục 3 BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT

Điều 59. Quy định chung về bảo vệ môi trường đất

1. Bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý tài nguyên đất.

2. Quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất.

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

Điều 60. Quản lý chất lượng môi trường đất

1. Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại, quản lý và công khai thông tin đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Việc phát thải chất thải vào môi trường đất không được vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường đất.

3. Vùng đất có nguy cơ suy thoái phải được khoanh vùng, theo dõi và giám sát.

4. Vùng đất bị suy thoái phải được cải tạo, phục hồi.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất.

Điều 61. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất

1. Các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại cơ sở.

4. Vùng đất, bùn bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 4 BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

Điều 62. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí

1. Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Điều 64. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

1. Nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải.

2. Việc xem xét, phê duyệt dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII BẢO VỆ MÔI RƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ

Điều 65. Bảo vệ môi trường khu kinh tế

1. Khu kinh tế phải có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.

3. Ban quản lý khu kinh tế phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 66. Bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

1. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường; báo cáo về hoạt động bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.

2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.

3. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Quy hoạch các khu chức năng, các loại hình hoạt động phải phù hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường; b) Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; có thiết bị đo lưu lượng nước thải; c) Bố trí bộ phận chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 67. Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung

1. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường; b) Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; c) Tổ chức quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; d) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.

2. Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng phương án bảo vệ môi trường; b) Đầu tư hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; c) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; b) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 68. Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật; c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ; b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh; c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật; d) Phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người; đ) Gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 69. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 của Luật này.

2. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:

a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư; b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải; c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh; d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

Điều 70. Bảo vệ môi trường làng nghề

Làng nghề phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường sau:

a) Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề; b) Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; c) Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do Chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; b) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này; b) Tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã có làng nghề được quy định như sau:

a) Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn; b) Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề; c) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện có làng nghề được quy định như sau:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn; b) Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có làng nghề được quy định như sau:

a) Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; b) Bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; c) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn; d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; đ) Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Không được sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản.

3. Thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng; bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

4. Khu nuôi trồng thủy sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Chất thải phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật; b) Phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi trồng thủy sản; c) Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại.

5. Không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển.

6. Không phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.

Điều 72. Bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế

1. Bệnh viện và cơ sở y tế phải thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; b) Phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn; thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; c) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra; d) Chất thải y tế phải được xử lý sơ bộ loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi lưu giữ, xử lý, tiêu hủy tập trung; đ) Xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở chiếu xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

3. Chủ đầu tư bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí để xây dựng công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

4. Người đứng đầu bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định pháp luật liên quan.

Điều 73. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng

1. Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

2. Trong thiết kế xây dựng và dự toán của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải tác động xấu đến môi trường phải có hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

3. Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; b) Việc vận chuyển vật liệu xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường; c) Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Điều 74. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải

1. Quy hoạch giao thông phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

2. Phương tiện giao thông cơ giới phải được cơ quan đăng kiểm xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được đưa vào sử dụng.

3. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường trong khi tham gia giao thông.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông vận tải hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường; b) Có giấy phép vận chuyển của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; c) Khi vận chuyển phải theo đúng tuyến đường và thời gian quy định trong giấy phép.

Điều 75. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa

1. Máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa sau:

a) Máy móc, thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; b) Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này; c) Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; d) Máy móc, thiết bị, phương tiện bị nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch; đ) Thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm; e) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc sử dụng cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

3. Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Điều 76. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường; b) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm sau:

a) Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; b) Phải xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không được cho, bán tạp chất đi kèm phế liệu; c) Phải tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp không tái xuất được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải; d) Thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:

a) Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phế liệu nhập khẩu; b) Hằng năm, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu và các vấn đề môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu tại địa bàn.

Điều 77. Bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội, du lịch

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau:

a) Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện; b) Lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh, thiết bị thu gom chất thải; c) Bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường.

2. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và lễ hội thực hiện các quy định sau:

a) Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; b) Bỏ chất thải đúng nơi quy định; c) Giữ gìn vệ sinh công cộng; d) Không xâm hại cảnh quan di tích, các loài sinh vật tại khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú.

Điều 78. Bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao và xử lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 79. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm

1. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm phải thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường sau:

a) Thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; c) Xử lý, tiêu hủy mẫu, vật phẩm phân tích thí nghiệm, hóa chất bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; d) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

2. Cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân theo quy định của pháp luật.

3. Thủ trưởng cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VIII BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ

Điều 80. Yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư

1. Bảo vệ môi trường đô thị thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

2. Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.

4. Bảo đảm yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; lắp đặt và bố trí công trình vệ sinh nơi công cộng.

5. Chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

6. Đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; có hệ thống cung cấp nước sạch và các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Điều 81. Bảo vệ môi trường nơi công cộng

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau:

a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; b) Bố trí công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường; c) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

Điều 82. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình

1. Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định.

2. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

3. Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.

4. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;

5. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.

6. Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Điều 83. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống.

2. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải; c) Giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng; d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường; đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã quy định về tổ chức, hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.

Điều 84. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng

1. Khu mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Phù hợp với quy hoạch; b) Có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư; c) Không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.

3. Việc mai táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

4. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh phòng dịch.

5. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, chôn cất trong khu nghĩa trang theo quy hoạch, xóa bỏ hủ tục gây ô nhiễm môi trường.

Chương IX QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Mục 1 QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Điều 85. Yêu cầu về quản lý chất thải

1. Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy.

2. Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.

3. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chất thải.

Điều 86. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải

1. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại.

2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

Điều 87. Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

2. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định.

3. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc thu gom sản phẩm thải bỏ.

4. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 88. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

1. Lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải trên địa bàn.

2. Đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.

3. Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Điều 89. Trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong quản lý chất thải

1. Bố trí mặt bằng tập kết chất thải trong phạm vi quản lý.

2. Xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Mục 2 QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 90. Lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép xử lý chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

2. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục chất thải nguy hại và cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

Điều 91. Phân loại, thu gom, lưu giữ trước khi xử lý chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp chủ nguồn thải chất thải nguy hại không có khả năng xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Chất thải nguy hại phải được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị chuyên dụng bảo đảm không tác động xấu đến con người và môi trường.

Điều 92. Vận chuyển chất thải nguy hại

1. Chất thải nguy hại phải được vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp và được ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Chất thải nguy hại được vận chuyển sang nước khác phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 93. Điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại

1. Địa điểm thuộc quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Có khoảng cách bảo đảm để không ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người.

3. Có công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.

5. Có nhân sự quản lý được cấp chứng chỉ và nhân sự kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp.

6. Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

7. Có phương án bảo vệ môi trường.

8. Có kế hoạch phục hồi môi trường sau khi chấm dứt hoạt động.

9. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.

Điều 94. Nội dung quản lý chất thải nguy hại trong quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải nguy hại và lượng phát thải.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.

5. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại.

6. Nguồn lực thực hiện.

7. Tiến độ thực hiện.

8. Phân công trách nhiệm.

Mục 3 QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG

Điều 95. Trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Điều 96. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường

1. Chất thải rắn thông thường phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý.

Điều 97. Tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường. Trường hợp không có khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Điều 98. Nội dung quản lý chất thải rắn thông thường trong quy hoạch bảo vệ môi trường

1. Đánh giá, dự báo nguồn phát thải rắn thông thường và lượng phát thải.

2. Khả năng thu gom, phân loại tại nguồn.

3. Khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

4. Vị trí, quy mô điểm thu gom, tái chế và xử lý.

5. Công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.

6. Nguồn lực thực hiện.

7. Tiến độ thực hiện.

8. Phân công trách nhiệm.

Mục 4 QUẢN LÝ NƯỚC THẢI

Điều 99. Quy định chung về quản lý nước thải

1. Nước thải phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Nước thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.

Điều 100. Thu gom, xử lý nước thải

1. Đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải.

2. Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.

Điều 101. Hệ thống xử lý nước thải

1. Đối tượng sau phải có hệ thống xử lý nước thải:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; b) Khu, cụm công nghiệp làng nghề; c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung.

2. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý; b) Đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh; c) Xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; d) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát; đ) Phải được vận hành thường xuyên.

3. Chủ quản lý hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý. Số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục 5 QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT BỤI, KHÍ THẢI, TIẾNG ỒN, ĐỘ RUNG, ÁNH SÁNG, BỨC XẠ

Điều 102. Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Điều 103. Quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ

1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương X XỬ LÝ Ô NHIỄM, PHỤC HỒI VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG

Mục 1 XỬ LÝ CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG

Điều 104. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

1. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi thải nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung và các chất gây ô nhiễm khác vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ở mức độ nghiêm trọng.

2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

3. Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm và theo trình tự sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và biện pháp xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; d) Quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai cho cộng đồng dân cư biết để kiểm tra, giám sát.

4. Trách nhiệm tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý; d) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hằng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2 XỬ LÝ, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM

Điều 105. Quy định chung về khắc phục ô nhiễm môi trường và phân loại khu vực ô nhiễm

1. Khắc phục ô nhiễm môi trường là hoạt động giảm thiểu tác động của ô nhiễm đến môi trường, con người và nâng cao chất lượng môi trường tại khu vực môi trường bị ô nhiễm.

2. Khu vực môi trường bị ô nhiễm được phân loại theo 03 mức độ gồm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 106. Khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

1. Việc xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm gồm:

a) Xác định phạm vi, giới hạn của khu vực môi trường bị ô nhiễm; b) Xác định mức độ ô nhiễm, đánh giá rủi ro; c) Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan; d) Các giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; đ) Xác định các thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu các bên gây ô nhiễm phải bồi thường.

2. Dự án khai thác mỏ, khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi hoạt động và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Xác định khả năng, phạm vi và mức độ gây ô nhiễm môi trường; b) Đánh giá rủi ro; c) Lựa chọn phương án khả thi cải tạo, phục hồi môi trường; d) Kế hoạch và kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án.

Điều 107. Trách nhiệm trong khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau:

a) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi tiến hành các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; b) Tiến hành biện pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khi gây ô nhiễm môi trường; c) Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường mà không tự thỏa thuận được về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau:

a) Quy định tiêu chí phân loại khu vực ô nhiễm môi trường; b) Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường; kiểm tra xác nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; c) Điều tra, đánh giá và tổ chức thực hiện các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm liên tỉnh.

4. Trường hợp môi trường bị ô nhiễm do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động nguồn lực để tổ chức khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường.

Mục 3 PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC VÀ XỬ LÝ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 108. Phòng ngừa sự cố môi trường

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

a) Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; b) Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường; c) Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường; d) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật; đ) Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nội dung sau:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường có thể xảy ra trong phạm vi cả nước, từng khu vực, địa phương; b) Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường; c) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường hằng năm và định kỳ 05 năm.

Điều 109. Ứng phó sự cố môi trường

1. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố; b) Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố; c) Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó; d) Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.

2. Việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

3. Nhân lực, vật tư, phương tiện sử dụng để ứng phó sự cố môi trường được bồi hoàn và thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.

4. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 110. Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

2. Nhà nước xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường và hệ thống trang thiết bị cảnh báo sự cố môi trường.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở dịch vụ ứng phó sự cố môi trường.

Điều 111. Xác định thiệt hại do sự cố môi trường

1. Nội dung điều tra, xác định thiệt hại do sự cố môi trường gồm:

a) Phạm vi, giới hạn khu vực bị ô nhiễm do sự cố môi trường; b) Mức độ ô nhiễm; c) Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan; d) Biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; đ) Thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, sự cố phải bồi thường.

2. Trách nhiệm điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn; b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức, điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn liên tỉnh.

3. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai.

Điều 112. Trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường

1. Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường có trách nhiệm sau:

a) Thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; b) Tiến hành ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng; c) Thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; đ) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường việc ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

2. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ra sự cố môi trường mà không tự thỏa thuận về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

3. Trường hợp sự cố môi trường do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

4. Trường hợp sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn liên tỉnh thì việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chương XI QUY CHUẨN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG, TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG

Điều 113. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với đất; b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước mặt và nước dưới đất; c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước biển; d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí; đ) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với âm thanh, ánh sáng, bức xạ; e) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tiếng ồn, độ rung.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt, phương tiện giao thông và hoạt động khác; b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định; c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại.

3. Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác.

Điều 114. Nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường; phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

2. Có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế · xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất.

4. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù.

Điều 115. Ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, ký hiệu là QCVN số thứ tự MT: năm ban hành/BTNMT.

2. Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, ký hiệu là QCĐP số thứ tự MT: năm ban hành/tên viết tắt tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 116. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng thành phần môi trường gồm:

a) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật; b) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường để không gây ảnh hưởng xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

2. Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường.

Điều 117. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải

1. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải quy định cụ thể hàm lượng tối đa của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

2. Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong chất thải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại, khối lượng chất thải phát sinh và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải phải có chỉ dẫn phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm.

Điều 118. Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và chứng nhận hợp quy quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương.

Điều 119. Tiêu chuẩn môi trường

1. Tiêu chuẩn môi trường gồm tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn về chất thải và các tiêu chuẩn môi trường khác.

2. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn môi trường trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu chuẩn.

Điều 120. Xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng dự thảo, đề nghị thẩm định tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

4. Cơ quan, tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chương XII QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

Điều 121. Hoạt động quan trắc môi trường

1. Cơ quan, tổ chức về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện quan trắc môi trường xung quanh.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục và hướng dẫn thực hiện quan trắc chất phát thải đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc danh mục chịu trách nhiệm quan trắc chất phát thải phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 122. Thành phần môi trường và chất phát thải cần được quan trắc

1. Môi trường nước gồm nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển.

2. Môi trường không khí gồm không khí trong nhà, không khí ngoài trời.

3. Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.

4. Môi trường đất, trầm tích.

5. Phóng xạ.

6. Nước thải, khí thải, chất thải rắn.

7. Hóa chất nguy hại phát thải và tích tụ trong môi trường.

8. Đa dạng sinh học.

Điều 123. Chương trình quan trắc môi trường

1 .Chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường lưu vực sông và hồ liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù.

2. Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh gồm các chương trình quan trắc thành phần môi trường trên địa bàn.

3. Chương trình quan trắc môi trường của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm quan trắc chất phát thải và quan trắc các thành phần môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 124. Hệ thống quan trắc môi trường

1. Hệ thống quan trắc môi trường gồm:

a) Quan trắc môi trường quốc gia; b) Quan trắc môi trường cấp tỉnh; c) Quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2. Các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường gồm:

a) Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường; b) Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường; c) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường; d) Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.

3. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện.

Điều 125. Trách nhiệm quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện chương trình quan trắc phát thải và các thành phần môi trường; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 126. Điều kiện hoạt động quan trắc môi trường

1. Tổ chức có đủ kỹ thuật viên về chuyên ngành quan trắc môi trường và trang bị kỹ thuật cần thiết được tham gia hoạt động quan trắc môi trường.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 127. Quản lý số liệu quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường của địa phương.

3. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý số liệu quan trắc môi trường và công bố kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.

Chương XIII THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG, CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG, THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Mục 1 THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điều 128. Thông tin môi trường

1. Thông tin môi trường gồm số liệu, dữ liệu về thành phần môi trường, các tác động đối với môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập, sử dụng thông tin cho công tác bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích công cộng.

Điều 129. Thu thập và quản lý thông tin môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thu thập và quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

2. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thu thập, quản lý thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường của Bộ, ngành, địa phương và tích hợp với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập hồ sơ môi trường, quản lý thông tin về tác động đối với môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 130. Công bố, cung cấp thông tin môi trường

1. Tổ chức, cá nhân quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình với cơ quan quản lý về môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

3. Bộ, ngành hằng năm có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 131. Công khai thông tin môi trường

1. Thông tin môi trường phải được công khai gồm:

a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; d) Các báo cáo về môi trường; đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Các thông tin quy định tại khoản này mà thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai.

2. Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.

3. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Mục 2 CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG VÀ THỐNG KÊ MÔI TRƯỜNG

Điều 132. Chỉ thị môi trường

1. Chỉ thị môi trường là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện bộ chỉ thị môi trường địa phương trên cơ sở bộ chỉ thị môi trường quốc gia.

Điều 133. Thống kê môi trường

1. Thống kê môi trường là hoạt động điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các chỉ tiêu cơ bản phản ánh bản chất và diễn biến của các vấn đề môi trường theo không gian và thời gian.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường, tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường quốc gia; hướng dẫn công tác thống kê môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê môi trường quốc gia.

3. Bộ, ngành tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường trong phạm vi quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của ngành, lĩnh vực; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác thống kê môi trường của địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê môi trường của địa phương; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ tiêu thống kê môi trường.

Mục 3 BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Điều 134. Trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm

1. Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

4. Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường.

5. Bộ, ngành báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Điều 135. Nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường

1. Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường.

2. Quy mô, tính chất và tác động của các nguồn phát thải.

3. Tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra.

4. Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tình hình xử lý.

5. Nguồn lực về bảo vệ môi trường.

6. Đánh giá công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

Điều 136. Nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo kinh tế · xã hội hằng năm

Báo cáo kinh tế · xã hội hằng năm của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phải đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường và công tác bảo vệ môi trường.

Điều 137. Trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần; hằng năm lập báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương 05 năm một lần; căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường của địa phương, quyết định lập báo cáo chuyên đề về môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường.

Điều 138. Nội dung báo cáo hiện trạng môi trường

1. Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội.

2. Các tác động môi trường.

3. Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường.

4. Những vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân.

5. Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội.

6. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Dự báo thách thức về môi trường.

8. Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

Chương XIV TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 139. Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc; định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường.

4. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.

6. Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường.

7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

8. Đào tạo nhân lực khoa học và quản lý môi trường; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.

9. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

10. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 140. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước.

Điều 141. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và có trách nhiệm sau:

1. Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về bảo vệ môi trường.

2. Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật theo thẩm quyền.

3. Chủ trì giải quyết hoặc đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, thông tin môi trường và báo cáo môi trường; chỉ đạo, tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoạt động xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, an toàn sinh học; quản lý chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường.

8. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách, chương trình, mô hình thử nghiệm về sản xuất và tiêu thụ bền vững, thân thiện với môi trường; hướng dẫn, chứng nhận sản phẩm, cơ sở thân thiện với môi trường; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cải thiện sức khỏe môi trường.

9. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

10. Chỉ đạo và hướng dẫn việc lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; chiến lược tổng thể quốc gia về điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.

11. Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá, theo dõi tình hình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc; truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

12. Trình Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về môi trường; chủ trì hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Điều 142. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của mình; hằng năm báo cáo Chính phủ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý.

3. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế · xã hội của cả nước, vùng và dự án, công trình thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thu hút đầu tư và tổ chức triển khai việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý; b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất thải trong nông nghiệp và các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý; c) Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý, phát triển ngành công nghiệp môi trường và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý; d) Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng về cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý; đ) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện giao thông vận tải và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý; e) Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động mai táng, hỏa táng; tổ chức việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý chất thải của bệnh viện, cơ sở y tế và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý; g) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch và hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý; h) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quốc phòng theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý; i) Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng chống tội phạm về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường; huy động lực lượng tham gia hoạt động ứng phó với sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý; k) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Điều 143. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường; b) Tổ chức thực hiện pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; c) Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; d) Tổ chức đánh giá và lập báo cáo môi trường. Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường; đ) Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; e) Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; g) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; h) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau:

a) Ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường; b) Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; c) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; d) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường; đ) Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường; e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan; g) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện; h) Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp xã; i) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn; vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước; hướng dẫn việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa; b) Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo ủy quyền; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân; c) Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp; d) Hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải; đ) Quản lý hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường trên địa bàn; e) Hằng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường; g) Chủ trì, phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức công khai thông tin về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư; h) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Chương XV TRÁCH NHIỆM CỦA MẬT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ · XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI · NGHỀ NGHIỆP VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 144. Trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.

Điều 145. Trách nhiệm và quyền của tổ chức chính trị · xã hội, tổ chức xã hội · nghề nghiệp

1. Tổ chức chính trị · xã hội, tổ chức xã hội · nghề nghiệp có trách nhiệm sau:

a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; b) Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức chính trị · xã hội, tổ chức xã hội · nghề nghiệp có quyền sau:

a) Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; b) Tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; c) Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật; d) Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đ) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức chính trị · xã hội, tổ chức xã hội · nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 146. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư

1. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

2. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở.

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

4. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều này.

Chương XVI NGUỒN LỰC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 147. Chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường

1. Chi hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường gồm:

a) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường; b) Thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; c) Hoạt động quan trắc môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường và báo cáo môi trường; d) Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học; đào tạo, truyền thông về bảo vệ môi trường; phổ biến và đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; đ) Các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường khác.

2. Chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường gồm chi cho các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải, xây dựng và trang bị trạm quan trắc và phân tích môi trường do Nhà nước quản lý; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm, trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi công cộng, khu vực công ích.

3. Việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 148. Phí bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.

2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau:

a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường; b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường; c) Sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.

3. Mức phí bảo vệ môi trường được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế · xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

4. Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 149. Quỹ bảo vệ môi trường

1. Quỹ bảo vệ môi trường là tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường.

2. Vốn hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường quốc gia và cấp tỉnh được hình thành từ các nguồn sau:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ; b) Phí bảo vệ môi trường; c) Các khoản bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại môi trường; d) Các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường quốc gia, quỹ bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường của mình; c) Tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường của mình và hoạt động theo điều lệ của quỹ.

Điều 150. Phát triển dịch vụ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các lĩnh vực sau:

a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; c) Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; d) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; đ) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ; e) Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; g) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 151. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

1. Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường sau:

a) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; b) Xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, khu chôn lấp chất thải; c) Xây dựng trạm quan trắc môi trường; d) Xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường, công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng; đ) Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường; e) Chuyển đổi hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 152. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ.

2. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu tiên gồm:

a) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải; b) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường và công nghệ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; c) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; d) Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ kiểm soát ô nhiễm, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường và công nghệ dự báo, cảnh báo sớm các biến đổi môi trường; đ) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; e) Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp cải thiện sức khỏe môi trường, giảm thiểu tác hại của môi trường đối với con người.

Điều 153. Phát triển công nghiệp môi trường

Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường; xây dựng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử lý và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường.

Điều 154. Truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên và rộng rãi.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về pháp luật bảo vệ môi trường.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý.

Điều 155. Giáo dục về môi trường, đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường

1. Chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông phải có nội dung giáo dục về môi trường.

2. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết chương trình giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

Chương XVII HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 156. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường

Điều ước quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường trong nước và phù hợp với lợi ích, khả năng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết, gia nhập.

Điều 157. Bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân chủ động đáp ứng yêu cầu về môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khu vực và quốc tế.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có trách nhiệm phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường trong nước.

Điều 158. Mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong nước; nâng cao vị trí, vai trò của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo vệ môi trường trong khu vực và quốc tế.

2. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

3. Nhà nước đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng và khu vực để giải quyết các vấn đề quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường có liên quan.

Chương XVIII THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 159. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, dự án, công trình thuộc phạm vi bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn.

Điều 160. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 161. Tranh chấp về môi trường

1. Nội dung tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường; b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.

2. Các bên tranh chấp về môi trường gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường có tranh chấp với nhau; b) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các thành phần môi trường và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cải tạo, phục hồi khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, bồi thường thiệt hại về môi trường.

3. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 162. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.

Chương XIX BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 163. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm:

1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Điều 164. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường

1. Ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời.

2. Hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau:

a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 165. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

1. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gồm các mức độ sau:

a) Có suy giảm; b) Suy giảm nghiêm trọng; c) Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm:

a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; b) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm; c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm.

3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm:

a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại; b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài.

4. Việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường; b) Chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường; c) Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại; d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan; đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

5. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

6. Việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 166. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.

3. Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

Điều 167. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Chính phủ.

Chương XX ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 168. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận đó.

Điều 169. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 170. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014./. CHỦ TỊCH QUỐC HỘI (Đã ký) Nguyễn Sinh Hùng

「환경보호법」

• 국가‧지 역: 베트남 • 법률번호: 제55/2014/QH13호 • 제정일: 2014년 06월 23일 • 시행일: 2015년 01월 01일

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường. 베트남사회주의공화국 헌법에 근 거하여, 국회는 환경보호법을 공포한다.

제1장 총칙

제1조 적용 범위

이 법은 환경보호활동, 환경보호 를 위한 정책·조치와 자원, 환경 보호에 관한 기관, 단체, 가구 및 개인의 권리·의무 및 책임에 관하여 규정한다.

제2조 적용 대상

이 법은 베트남사회주의공화국의 본토, 도서, 영해 및 영공을 포 함하는 영토상에 있는 기관, 단 체, 가구 및 개인에게 적용된다.

제3조 정의

이 법에서 사용하는 용어의 뜻은 다음과 같다.

1. “환경”이란 인간과 생물의 존 재 및 발전에 영향을 미치는 자 연적이고 인공적인 물질적 요소 의 체계를 말한다.

2. “환경요소”란 토양, 물, 공기, 소리, 빛, 생물 및 기타의 물질 적 형태가 포함된 환경을 조성하 는 물질적 요소를 말한다.

3. “환경보호활동”이란 환경에 미 치는 악영향의 관리·예방 및 제 한 활동, 환경사고에의 대응, 오 염·쇠퇴의 극복 및 환경 개선·복 원, 깨끗한 환경을 유지하기 위 한 천연자원의 합리적 개발 및 이용을 말한다.

4. “지속가능한 발전”이란 경제성 장, 사회적 발전 보장과 환경보 호 간의 조화롭고 긴밀한 결합에 기초하여 미래 세대의 필요를 충 족시키는 능력을 손상시키지 않으면서 현재의 필요를 충족시키 는 발전을 말한다.

5. “환경기술규준”이란 환경보호 를 위하여 관할 국가기관이 발행 하여 의무적으로 적용되는 문서 의 형태로, 주변 환경의 질에 관 한 사양, 폐기물에 함유된 오염 유발물질의 함량, 기술 및 관리 요구사항의 한계를 말한다.

6. “환경표준”이란 환경보호를 위 하여 관할 국가기관 및 각 단체 가 공표하여 자발적으로 적용되 는 문서의 형태로, 주변 환경의 질에 관한 사양, 폐기물에 함유 된 오염유발물질의 함량, 기술 및 관리 요구사항의 한계를 말한 다.

7. “환경건강”이란 인간의 건강 및 질병에 영향을 미치는 환경을 구성하는 물질적 요소의 상태를 말한다.

8. “환경오염”이란 인간과 생물에 악영향을 미치는 환경기술규준과 환경표준에 부합하지 않는 환경 성분의 변화를 말한다.

9. “환경쇠퇴”란 인간 및 생물에 악영향을 미치는 환경성분의 질 과 양의 저하를 말한다.

10. “환경사고”란 인간의 활동이 나 자연의 변화, 오염 유발, 심 각한 환경의 쇠퇴 또는 변화 과 정에서 발생하는 사고를 말한다.

11. “오염유발물질”이란 환경오 염의 유발 허용한계를 넘어서는 환경에서 발생하는 화학물질, 물 리적·생물학적 요소를 말한다.

12. “폐기물”이란 생산, 사업, 용 역, 생활 및 기타의 활동에서 배 출되는 물질을 말한다.

13. “유해폐기물”이란 유독성, 방 사성, 감염성, 가연성, 폭발성, 부식성, 중독성 또는 기타의 유 해성 요소를 포함하는 폐기물을 말한다.

14. “환경산업”은 환경보호에 관 한 요구사항을 충족하는 기술, 제품, 설비, 용역 및 제품을 제 공하는 경제산업을 말한다.

15. “폐기물 관리”란 폐기물을 방지, 감축, 감독, 분류, 수집, 운 송, 재활용, 재생 및 처리하는 과정을 말한다.

16. “스크랩”이란 다른 생산 과 정의 원료로 사용하기 위하여 생 산 또는 소비 과정에서 제외된 재료 및 제품으로부터 회수, 분 류, 선별된 재료를 말한다.

17. “환경용량”이란 환경이 스스 로 복원될 수 있게 하는 작용요 소에 대한 환경의 수용한계를 말 한다.

18. “오염제어”란 오염 방지, 감 지, 예방 및 처리 과정을 말한 다.

19. “환경서류”란 법률 규정에 따른 기관, 단체, 생산·사업 및 서비스 시설의 환경, 조직 및 환 경보호활동에 관한 자료의 집합 을 말한다.

20. “환경관측”이란 현재상태의 평가, 환경품질의 변화 및 환경 에 대한 악영향 관련 정보를 제 공하기 위하여 환경성분, 환경에 영향을 미치는 요소에 관하여 체 계적인 모니터링을 하는 과정을 말한다.

21. “환경보호계획”이란 지속가 능한 발전을 보장하기 위하여 경 제·사회개발 종합기본계획과 밀 접한 연관이 있는 환경보호의 해 결체계 관련 환경보호기술기반체 계를 보존, 개발 및 구축하기 위 한 환경의 지구화를 말한다.

22. “전략적 환경평가”란 지속가 능한 발전목표를 보장하기 위하 여 개발 관련 전략·기본계획·계 획을 통합하고 기반을 다지며, 환경에 대한 악영향을 줄이기 위 한 해법을 제시하기 위하여 개발 관련 전략·기본계획·계획의 환경 영향을 분석 및 예측하는 것을 말한다.

23. “환경영향평가”란 구체적인 프로젝트의 전개 시 환경보호조 치를 취하기 위하여 해당 투자프 로젝트의 환경영향을 분석 및 예 측하는 것을 말한다.

24. “환경보호를 위한 기술기반” 은 폐기물의 수집, 보유, 운송, 재생, 재활용, 처리 및 환경관측 체계를 포함한다.

25. “온실가스”란 지구온난화와 기후변화를 유발하는 대기 중의 기체를 말한다.

26. “기후변화에의 대응”이란 기 후변화에 적응하고 기후변화를 줄이기 위한 인간의 활동을 말한 다.

27. “탄소배출권”이란 온실가스 의 배출 감축과 관련된 상업적 거래가 가능한 증명 또는 허가를 말한다.

28. “환경안보”란 환경이 국가의 정치·사회적 안정 및 경제발전에 큰 영향을 미치지 않도록 보장하 는 것을 말한다.

29. “환경정보”란 기호, 문자, 숫 자, 이미지, 음성 또는 이와 유 사한 형태로 된 환경에 관한 수 치, 데이터를 말한다.

제4조 환경보호원칙

1. 환경보호는 모든 기관, 단체, 가구 및 개인의 책임과 의무이 다.

2. 환경보호는 모든 사람들이 깨 끗한 환경에서 살 수 있는 권리 를 보장하기 위하여 경제개발, 사회보장, 아동의 권리 보장, 성 평등의 촉진, 생물다양성의 개발 및 보존, 기후변화에의 대응과 조화를 이루도록 한다.

3. 환경보호는 자원의 합리적 사 용, 폐기물의 감축을 기반으로 하여야 한다.

4. 국가환경보호는 지역 및 세계 의 환경보호, 국가의 주권과 안 보에 해를 끼치지 않도록 환경보 호와 연계한다.

5. 환경보호는 규율, 자연적 특 성, 문화, 역사, 국토의 경제·사 회적 발전수준에 부합하여야 한 다.

6. 환경보호활동은 상시로 진행 되고 환경의 오염, 사고 및 쇠퇴 방지가 우선시되어야 한다.

7. 환경요소를 활용하고 환경의 혜택을 받는 단체, 가구, 개인은 환경보호에 재정적으로 기여할 의무가 있다.

8. 환경의 오염, 사고 및 쇠퇴를 유발하는 단체, 가구, 개인은 법 률 규정에 따라 손해를 극복 및 배상하고 기타의 책임을 져야 한 다.

제5조 환경보호에 관한 국가의 정 책

1. 단체·가구·개인이 환경보호활 동에 참여할 수 있는 유리한 여 건을 조성하고, 법률 규정에 따 라 환경보호활동의 이행을 검사, 감독한다.

2. 환경보호의 기강과 문화를 조 성하기 위한 행정, 경제 및 기타 의 조치와 함께 홍보, 교육한다.

3. 생물다양성을 보존하고, 천연 자원을 합리적으로 개발·이용 및 절약하며, 청정에너지 및 재생에 너지를 개발하고, 폐기물의 재 생, 재활용 및 감축을 강력히 추 진한다.

4. 긴급한 환경문제, 심각한 환 경오염, 수자원 환경오염을 우선 적으로 처리하고, 거주지의 환경 보호에 치중하며, 환경보호기술 기반을 개발한다.

5. 환경보호를 위한 투자자본을 다양화하고, 일반적인 성장에 따 라 점진적으로 증가하는 예산 중 환경보호를 위한 별도의 지출항 목을 두며, 환경보호를 위한 경비재원은 통합적으로 관리되고, 환경보호의 중점 분야에 우선적 으로 사용된다.

6. 환경보호활동, 친환경 생산·사 업시설에 토지 및 재정적 지원을 하고 우대한다.

7. 환경보호 관련 인적자원의 교 육을 강화한다.

8. 환경 관련 과학 및 기술을 개 발하고, 선진기술·첨단기술·친환 경 기술을 우선적으로 연구, 이 전 및 적용하며, 더 나은 환경보 호에 관한 요구사항을 충족하는 환경기준을 적용한다.

9. 환경보호 및 자원보호 활동을 기후변화의 대응 및 환경안보의 보장과 연계한다.

10. 국가는 환경보호활동에 적극 적으로 기여하는 기관, 단체, 가 구 및 개인을 인정하고 격려한 다.

11. 환경보호에 관한 국제협력을 확대 및 강화하고, 환경보호에 관한 국제적 약속을 완전히 이행 한다.

제6조 권장되는 환경보호활동

1. 국가는 모든 사람들이 환경보 호, 환경위생 관리, 자연경관 및 생물다양성 보호에 참여하도록 소통하고 교육 및 동원한다.

2. 천연자원을 보호하고 합리적 으로 이용하며 절약한다.

3. 폐기물을 감축, 수집, 재활용 및 재생한다.

4. 기후변화에 대응하는 활동을 하고, 청정에너지 및 재생에너지 를 이용하며, 온실가스의 배출 및 오존층 파괴를 줄인다.

5. 친환경 시설 및 제품을 등록 하고, 친환경 제품을 생산, 거래 및 소비한다.

6. 폐기물 처리 및 재생 기술, 친환경 기술의 과학적 연구, 이 전 및 응용을 실시한다.

7. 환경보호를 위한 장비 및 도 구의 생산시설 건립에 투자하고, 환경보호 서비스를 제공하며, 환 경회계감사, 녹색금융 및 녹색투 자를 실시한다.

8. 토착 유전자원을 보존 및 개발하고, 환경에 유익하고 경제적 가치가 있는 유전자원을 교배 및 도입한다.

9. 친환경 마을, 거주지를 건립 한다.

10. 지역 공동체의 환경위생 관 리활동을 조직하고, 자치형태를 개발한다.

11. 환경에 유해한 악습을 제거 하고, 환경위생을 관리하는 습관 및 생활양식을 형성한다.

12. 환경보호활동을 위한 지식, 노력 및 재정을 투입하고, 환경 보호에 관한 공공·민간협력을 이 행한다.

제7조 엄격히 금지되는 행위

1. 천연자원을 불법적으로 개발 및 파괴하는 행위

2. 법률 규정에 따른 시기 및 산 출량에 부합하지 않고, 도구 및 수단을 사용하여 소멸시키는 방 식으로 생물자원을 개발하는 행 위

3. 관할 국가기관의 규정에 따라 우선적으로 보호되는 멸종위기에 처한 목록 내 희귀 야생동식물류 를 착취, 거래 및 소비하는 행위

4. 환경보호에 관한 기술 과정에 부합하지 않는 독성물질, 방사성 물질, 폐기물 및 기타 유해물질 을 운송 및 매립하는 행위

5. 환경기술규준에 부합하도록 처리되지 않은 폐기물, 독성물 질, 방사성물질 및 기타 유해물 질을 토양, 물 및 공기 중으로 배출하는 행위

6. 인체와 생물에게 유해한 독성 화학물질, 폐기물, 검증되지 않 은 미생물 및 기타의 독성인자를 수자원으로 배출하는 행위

7. 독성 연기, 먼지, 기체물질 또 는 냄새를 공기중으로 배출하는 행위, 환경기술규준을 초과하는 복사·방사선, 이온화 물질을 방 출하는 행위

8. 환경기술규준을 초과하는 소 음, 진동을 유발하는 행위

9. 어떠한 형태로든 폐기물을 해 외로부터 수입 또는 국경 이동하 는 행위

10. 검역을 거치지 않은 동식물, 허가목록에서 제외된 미생물을 수입, 국경 이동하는 행위

11. 인간, 생물 및 생태계에 유 해한 상품을 생산 및 거래하는 행위, 환경기술규준을 초과하는 독성요소가 포함된 건축자재, 원 료를 생산 및 사용하는 행위

12. 자연유산, 자연보존지역을 불법적으로 파괴 및 침범하는 행 위

13. 환경보호활동을 수행하는 건 물, 설비 및 수단의 침해 행위

14. 인간에게 특별히 위험한 환 경수준을 갖춰 관할 국가기관으 로부터 금지구역으로 지정된 구 역에서 생활하거나 불법적으로 활동하는 행위

15. 환경에 악영향을 미치는 정 보의 왜곡, 환경보호활동의 방 해, 환경 훼손행위의 은폐 행위

16. 환경관리에 관한 규정을 위 반하기 위하여 권한이 있는 자의 직무·권한을 이용, 권한을 초과 하거나 책임을 다하지 않는 행위

제2장 환경보호기본계획, 전략적 환경평가, 환경영향평가 및 환경보 호계획

제1절 환경보호기본계획

제8조 환경보호기본계획의 원칙, 단계 및 기간

1. 환경보호기본계획은 다음의 원칙을 보장하여야 한다.

a) 경제-사회적 조건, 국방· 안보·경제-사회적 발전 종 합기본계획 및 전략, 지속 가능한 발전을 보장하는 국 가환경보호전략에 부합하여 야 한다. b) 토지이용기본계획과의 일 관성, 환경보호기본계획의 기본적 사항들 간 일관성을 보장하여야 한다. c) 이 법 제4조에서 규정하는 환경보호원칙을 보장하여야 한다.

2. 환경보호기본계획은 국가 단 위 환경보호기본계획과 성(省) 단위 환경보호기본계획의 두 단 계로 구성된다.

3. 환경보호기본계획의 기간은 10년이며, 20년의 전망을 제시한 다.

제9조 환경보호기본계획의 기본 내용

1. 국가 단위의 환경보호기본계 획은 다음의 기본 내용을 포함한 다.

a) 환경현상 평가, 환경 관리, 환경변화추세 및 기후변화 의 예측 b) 환경구획 c) 생물다양성 및 산림환경의 보존 d) 해양, 도서 및 강 유역의 환경 관리 đ) 폐기물 관리 e) 환경보호기반기술, 환경관 측체계 g) 이 항 제b호, 제c호, 제d 호, 제đ호 및 제e호에서 규 정하는 내용이 표현된 기본 계획도 h) 기본계획 실행 재원 i) 기본계획 실행조직

2. 성 단위 환경보호기본계획의 내용은 경제-사회적 발전 종합 기본계획으로 통합되거나 개별적 인 하나의 기본계획으로 수립되 며, 지역의 구체적 조건에 부합 하여 실행된다.

3. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제10조 환경보호기본계획의 수립 책임

1. 자원환경부는 국가 단위 환경 보호기본계획을 수립한다.

2. 중앙직할시·성 인민위원회(이 하 “성급 인민위원회”라 한다)는 지역의 환경보호기본계획을 수립 하거나 그 내용을 구성한다.

제11조 환경보호기본계획의 탐문, 심의 및 승인

1. 환경보호기본계획 수립 과정 중의 탐문은 다음과 같이 규정된 다.

a) 자원환경부는 각 부처, 성 급 인민위원회의 의견을 서 면으로 수렴하고, 국가 단 위 환경보호기본계획의 수 립 과정 중 관련 기관 및 단체를 대상으로 탐문을 실 시한다. b) 성급 인민위원회는 각 부 서, 성 관할 현(縣)·군(郡)· 시사(市社)·시 인민위원회 (이하 “현급 인민위원회”라 한다)의 의견을 서면으로 수렴하고, 성 단위 환경보 호기본계획의 구성 과정 중 관련 기관 및 단체를 대상 으로 탐문을 실시한다.

2. 환경보호기본계획의 심의 및 승인은 다음과 같이 규정된다.

a) 자원환경부는 부처 간 심 의회를 조직하고, 국가 단 위 환경보호기본계획의 승 인을 받기 위하여 이를 정 부 총리에게 제출한다. b) 성급 인민위원회는 자원환 경부의 의견을 서면으로 수 렴한 이후에 성 단위 환경 보호기본계획 보고서를 심 의 및 승인한다.

3. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제12조 환경보호기본계획의 점검 및 조정

1. 환경보호기본계획은 단계별 경제-사회 개발상황에 부합하여 적시에 조정이 가능하도록 실행 과정이 정기적으로 검토, 점검 및 평가되어야 한다.

2. 환경보호기본계획의 조정은 중앙직할시·성의 국방·국가안보· 경제-사회적 발전 전략의 조정 이 있는 경우에 진행되며, 이 법 제8조, 제9조, 제10조 및 제11 조와 관련 법률 규정에 따라 진 행된다.

제2절 전략적 환경평가

제13조 전략적 환경평가를 실시하 여야 하는 대상

1. 전략적 환경평가를 실시하여 야 하는 대상은 다음과 같다.

a) 경제-사회적 지역, 주요 경제지역, 경제회랑 및 경 제벨트의 경제-사회적 발 전 종합전략·기본계획 b) 중앙직할시·성 및 특별행정-경제단위의 경제-사회 적 발전 종합기본계획 c) 경제구역, 수출가공구역, 첨단기술구역, 공업구역의 발전을 위한 전략 및 기본 계획 d) 2개 이상의 성 단위가 포 함되는 규모의 천연자원 개 발, 사용에 관한 전략 및 기본계획 đ) 환경에 큰 영향을 미치는 국가, 지역 및 성 단위 규 모 분야 및 업종의 발전을 위한 전략·기본계획·계획 e) 이 항 제a호, 제b호, 제c 호, 제d호 및 제đ호에 해당 하는 대상의 전략·기본계획 ·계획 조정

2. 정부는 전략적 환경평가를 실 시하여야 하는 대상의 목록에 대 하여 규정한다.

제14조 전략적 환경평가의 실시

1. 이 법 제13조제1항에서 규정 하는 전략·기본계획·계획의 수립 임무를 맡은 기관은 전략적 환경 평가 보고서를 작성하거나 자문 기관에서 이를 작성하도록 고용 할 책임이 있다.

2. 전략적 환경평가는 전략·기본 계획·계획의 수립 과정과 동시에 실시되어야 한다.

3. 전략적 환경평가의 실시결과 는 검토되어야 하며, 전략·기본 계획·계획의 내용에 통합되어야 한다.

4. 전략적 환경평가의 실시에 기 초하여, 전략·기본계획·계획의 수 립 임무를 맡은 기관은 심의 목 적으로 관할 기관에 송부하기 위 하여 전략적 환경평가 보고서를 작성할 책임이 있다.

제15조 전략적 환경평가 보고서의 주요 내용

1. 전략·기본계획·계획 수립 임 무의 필요성 및 법적 근거

2. 전략적 환경평가의 실시방법

3. 전략·기본계획·계획의 내용 요약

4. 전략·기본계획·계획의 영향을 받는 지역의 자연 및 경제-사회 적 환경

5. 환경보호에 관한 목표 및 관 점과 전략, 기본계획, 계획 간의 적합성 평가

6. 전략·기본계획·계획을 시행하 는 경우에 발생하는 환경문제의 긍정적, 부정적 경향성에 대한 평가 및 예측

7. 전략·기본계획계획의 실행 시 발생하는 기후변화 추세의 평가 및 예측

8. 전략적 환경평가 실시 과정 중의 탐문사항

9. 전략·기본계획·계획의 실행 과정 중 환경문제의 부정적인 경 향을 예방 및 감소시키고 긍정적 인 경향은 유지하도록 하는 해결 방안

10. 전략·기본계획·계획의 실행 과 처리방향에 대한 건의 과정에 서 지속적 연구가 필요한 문제

제16조 전략적 환경평가 보고서의 심의

1. 전략적 환경평가 보고서의 심 의에 대한 책임은 다음과 같이 규정된다.

a) 자원환경부는 국회, 정부, 정부 총리가 결정한 전략·기본계획·계획에 관한 전략 적 환경평가 보고서를 심의 한다. b) 부, 부급 기관은 자체 승 인 권한이 있는 전략·기본 계획·계획에 대한 전략적 환경평가 보고서를 심의한 다. c) 성급 인민위원회는 인민회 의에서 부여하는 권한 또는 자체 승인 권한이 있는 전 략·기본계획·계획에 대한 전략적 환경평가 보고서를 심의한다.

2. 전략적 환경평가 보고서의 심 의 업무는 전략적 환경평가 보고 서를 심의하는 기관의 장 또는 책임자가 설립하는 심의회를 통 하여 진행된다.

3. 전략적 환경평가 보고서의 심 의기관은 전략적 환경평가 보고 서 정보의 조사 및 평가를 실시 하고, 관련 기관·단체 및 전문가 의 반대의견을 수렴한다.

제17조 전략적 환경평가 보고서의 심의의견 접수 및 심의결과 보고

1. 전략·기본계획·계획의 수립 임무를 맡은 기관은 심의회의 연 구 및 접수 의견을 토대로 전략 적 환경평가 보고서 및 전략·기 본계획·계획 문서의 초안을 완성 할 책임이 있다.

2. 전략적 환경평가 보고서 심의 기관은 전략·기본계획·계획의 승 인 권한이 있는 기관에 심의결과 를 서면으로 보고한다.

3. 전략적 환경평가 보고서의 심 의결과 보고서는 관할 기관의 전 략·기본계획·계획에 대한 승인의 근거가 된다.

제3절 환경영향평가

제18조 환경영향평가를 실시하여 야 하는 대상

1. 환경영향평가를 실시하여야 하는 대상은 다음과 같다.

a) 국회, 정부, 정부 총리의 투자방침 결정 대상 사업 b) 자연보존지역, 국립공원, 역사·문화유적지, 세계유산 지역, 생물권보전지역, 명승 지의 토지를 사용하는 사업 c) 환경에 악영향을 미칠 위 험이 있는 사업

2. 정부는 이 조 제1항제b호 및 제c호에서 규정하는 사업 목록에 대하여 규정한다.

제19조 환경영향평가의 실시

1. 이 법 제18조제1항에서 규정 하는 대상에 해당하는 사업주는 자체적으로 환경영향평가를 실시 하거나 자문기관에서 실시하도록 의뢰하며, 환경영향평가의 실시 결과에 대한 법적 책임을 진다.

2. 환경영향평가는 사업 준비단 계에서 실시하여야 한다.

3. 환경영향평가의 실시결과는 환경영향평가 보고서의 형태로 작성된다.

4. 사업 투자자금에 포함된 환경 영향평가 보고서의 작성 및 심의 비용은 사업주가 부담할 책임이 있다.

제20조 환경영향평가 보고서의 재 작성

1. 사업주는 다음의 경우에 환경 영향평가 보고서를 재작성하여야 한다.

a) 환경영향평가 보고서의 승 인이 결정된 시점으로부터 24개월 이내에 사업을 시 행하지 않는 경우 b) 승인된 환경영향평가 보고 서상의 방법과 비교하여 사 업 수행장소가 변경되는 경 우 c) 승인된 환경영향평가 보고 서상의 방법과 비교하여 환 경에 더 악영향을 미칠 수 있는 규모 및 생산력의 증 대, 기술의 변경이 있는 경 우

2. 정부는 이 조 제1항제c호에 대하여 상세히 규정한다.

제21조 환경영향평가 실시 과정 중의 탐문

1. 환경영향평가 보고서를 완성 하고, 환경과 인간에 대한 악영 향을 최소화하며, 사업의 지속가 능한 발전을 보장하기 위하여 환 경영향평가 실시 과정 중 탐문을 실시한다.

2. 사업주는 사업에 직접적인 영 향을 받는 기관, 단체 및 공동체 를 대상으로 탐문을 실시한다.

3. 탐문을 실시하지 않는 사업은 다음과 같다.

a) 사회기반시설의 건설 투자 단계에서 환경영향평가 보 고서가 승인된 집중 생산· 사업·용역 수행 지역의 기 본계획에 부합하는 사업 b) 국가기밀 목록에 해당하는 사업

제22조 환경영향평가 보고서의 주 요 내용

1. 사업 출처, 사업주, 사업 승인 권한을 가진 기관, 환경영향평가 방법

2. 기술 선정, 작업항목 및 환경 에 악영향을 미칠 위험이 있는 사업활동에 대한 평가

3. 사업 시행장소의 자연 및 사 회-경제적 환경과 주변 지역 환 경의 현재 상태에 대한 평가, 사 업 시행 선정장소의 적합성 입증

4. 사업이 환경 및 공동체의 건 강에 미치는 영향에 대한 평가 및 예측

5. 환경 및 공동체의 건강에 관 한 사업의 위험관리조치에 대한 평가, 예측 및 결정

6. 폐기물 처리조치

7. 환경 및 공동체의 건강에 미 치는 영향을 최소화하는 조치

8. 탐문결과

9. 환경 관리 및 감독 프로그램

10. 환경보호시설의 건설 및 환 경에 미치는 영향을 최소화하는 조치의 시행을 위한 경비 예산

11. 환경보호조치 시행방안

제23조 환경영향평가 보고서의 심 의 권한

1. 자원환경부는 다음의 사업에 관한 환경영향평가 보고서를 심 의한다.

a) 국회, 정부, 정부 총리의 투자방침 결정 대상 사업 b) 국방 및 안보기밀에 해당 하는 사업을 제외한 이 법 제18조제1항제b호 및 제c 호에서 규정하는 대상 중 부문 및 성 단위 간 연계된 사업 c) 정부에서 심의를 의뢰하는 사업

2. 부, 부급 기관은 자신의 투자 결정 및 승인 대상 사업에 관한 환경영향평가 보고서를 심의하 나, 이 조 제1항제b호 및 제c호 에서 규정하는 대상은 포함하지 아니한다.

3. 국방부, 공안부는 자신의 투 자 결정 및 승인 대상 사업과 국 방 및 안보기밀에 속하는 사업에 관한 환경영향평가 보고서를 심 의한다.

4. 성급 인민위원회는 이 조 제1 항·제2항 및 제3항에서 규정하는 대상에 해당하지 않는 영역의 투 자사업에 관한 환경영향평가 보 고서를 심의한다.

제24조 환경영향평가 보고서의 심 의

1. 심의를 맡은 기관의 장 또는 책임자는 심의회를 거치거나 관 련기관 및 단체의 의견 수렴 절 차를 거쳐 환경영향평가 보고서 를 심의하며, 심의결과에 대한 법적 책임을 진다.

2. 심의회의 위원과 의견 수렴 기관 및 단체는 자신의 의견에 대한 법적 책임을 진다.

3. 필요한 경우, 심의기관은 환 경영향평가 보고서를 심의하기 위하여 현지조사를 실시하고, 기 관, 단체 및 전문가의 반대의견 을 수렴한다.

4. 심의기간 중 수정·보완의 요 청이 있는 경우, 심의기관은 이 를 실시하기 위하여 사업주에게 서면으로 통보할 책임이 있다.

제25조 환경영향평가 보고서의 승 인

1. 심의기관의 장 및 책임자는 심의기관의 요청으로 인하여 수 정된 환경영향평가 보고서를 받 은 날로부터 20일 이내에 환경 영향평가 보고서를 승인할 책임 이 있으며, 승인하지 않는 경우 에는 사업주에게 해당 사유를 기 재하여 서면으로 회신하여야 한 다.

2. 환경영향평가 보고서의 승인 결정은 관할 단위기관이 다음의 사항을 수행하기 위한 근거가 된 다.

a) 법률에서 투자방침을 결정 하여야 하는 사업으로 규정 하고 있는 경우, 이 법 제 18조에 규정된 대상 사업 에 대한 투자방침의 결정 b) 광물 탐사 및 개발사업에 관한 탄광 탐사허가서, 개 발허가서의 발급 및 조정 c) 석유·가스 탐사 및 개발사 업에 관한 유전 탐사계획, 개발계획의 승인 d) 건설허가서가 반드시 필요 한 대상에 해당하는 건축물 항목이 포함된 건설사업 관 련 건설허가서의 발급 및 조정 đ) 이 항 제a호·제b호·제c호 및 제d호에서 규정하는 대 상에 해당하지 않는 사업에 대한 투자증명서의 발급

제26조 환경영향평가 보고서가 승 인된 이후 사업 투자자의 책임

1. 환경영향평가 보고서의 승인 결정에 관한 요구사항을 이행한 다.

2. 승인된 환경영향평가 보고서 상의 방법과 비교하여 환경에 더 악영향을 미칠 수 있는 규모, 생 산력 및 기술의 변화가 발생하였 으나 이 법 제20조제1항제c호에 규정된 환경영향평가 보고서를 재작성하여야 하는 수준이 아닌 경우, 사업 투자자는 승인기관에 이를 소명하고 환경영향평가 보 고서 승인기관의 승인서를 받은 이후에만 이행이 가능하다.

제27조 사업 운영을 시작하기 전 투자자의 책임

1. 환경영향평가 보고서의 승인 결정에 따른 환경보호조치를 시 행한다.

2. 정부가 규정하는 환경에 악영 향을 미칠 위험이 있는 대형 사 업에 대하여, 사업 운영을 위한 환경보호작업의 이행결과를 환경 영향평가 보고서 승인기관에 보 고하여야 한다. 이러한 사업들은 환경영향평가 보고서 승인기관이 환경보호작업이 완료되었음을 검 사 및 인증한 이후에만 운영된 다.

제28조 환경영향평가 보고서 승인 기관의 책임

1. 환경영향평가 보고서의 심의 및 승인결과에 대한 법적 책임을 진다.

2. 이 법 제27조제2항에서 규정 하는 사업 투자자의 환경보호작 업 완료보고서를 받은 날로부터 15일 이내에, 환경영향평가 보고 서를 승인하는 기관은 사업에 대 한 검사를 실시하고 환경보호작 업 완료확인서를 발급하여야 한 다. 복잡한 환경지표를 분석하여 야 하는 경우에는 사업에 대한 환경보호작업 완료확인서 발급기 간이 지연될 수 있으나 그 기간 이 30일을 초과하여서는 아니 된다.

제4절 환경보호계획

제29조 환경보호계획을 수립하여 야 하는 대상

1. 환경영향평가를 실시하여야 하는 대상에 해당하지 않는 투자 사업

2. 투자에 관한 법률 규정에 따 라 투자사업안을 수립하여야 하 는 대상에 해당하지 않는 생산· 사업·용역 수행 방안

3. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제30조 환경보호계획의 내용

1. 시행장소

2. 생산·사업·용역의 유형, 기술 및 규모

3. 사용원료 및 연료

4. 발생하는 폐기물 및 환경에 다른 영향을 미치는 물질류의 예 측

5. 폐기물 처리 및 환경에 미치 는 악영향의 최소화 조치

6. 환경보호조치의 시행조직

제31조 환경보호계획의 등록 및 확인 시점

이 법 제29조에서 규정하는 생 산·사업·용역 수행 사업 및 방안 을 수행하는 사업자는 이 사업 및 방안을 전개하기 전, 이 법 제32조에 규정된 관할 기관이 환경보호계획서를 검토 및 확인 하도록 송부하여야 한다.

제32조 환경보호계획의 확인작업 을 실시하는 조직의 책임

1. 성급 인민위원회의 환경보호 관련 전문기관은 다음 사업들의 환경보호계획을 인증한다.

a) 2개 이상의 현 단위가 포 함되는 지역의 사업 b) 처리 목적으로 성 단위 지 역으로 유입될 폐기물이 있 는 해역의 사업 c) 자원환경부 장관의 규정에 따라 성 단위 지역의 환경 에 악영향을 미칠 위험이 있는 대규모 사업

2. 이 조 제1항에서 규정하는 사 업을 제외하고, 현급 인민위원회 는 지역의 생산·사업·용역 수행 사업 및 방안에 대한 환경보호계 획을 인증하며, 현급 인민위원회 는 사(社)·방(坊)·시진(市鎭) 인 민위원회(이하 “사급 인민위원 회”라 한다)가 하나의 사 단위지 역 내 가구 규모의 생산·사업·용 역 수행 사업 및 방안 관련 환경 보호계획을 인증하도록 권한을 위임할 수 있다.

3. 이 조 제1항 및 제2항에 규 정된 관할 기관은 환경보호계획서를 받은 날로부터 10일 이내 에 환경보호계획서의 등록사항을 인증하고, 환경보호계획서의 인 증을 거부하는 경우 관할 기관은 해당 사유를 기재하여 서면으로 회신하여야 한다.

제33조 환경보호계획이 인증된 이 후의 생산·사업·용역 수행 사업주 및 시설주 책임

1. 인증된 환경보호계획에 따라 환경보호조치를 시행한다.

2. 환경사고가 발생하는 경우에 는 운영을 중단하고 개선조치를 취해야 하며, 사업 시행지의 사 급 인민위원회나 현급 인민위원 회, 또는 성급 인민위원회의 환 경보호 관련 전문기관 및 관계기 관에 보고한다.

3. 환경보호 관련 국가관리기관 이 검사 및 감독을 할 수 있도록 협력하고 관련된 모든 정보를 제 공한다.

4. 다음의 경우에는 생산·사업·용역 수행 투자사업 및 방안을 위한 환경보호계획을 수립 및 재 등록 한다.

a) 장소 변경 b) 환경보호계획이 인증된 날 로부터 24개월 이내에 실 행하지 아니하는 경우

5. 생산·사업·용역 수행 사업 및 방안이 환경영향평가 보고서 작 성 대상 수준으로 성격 또는 규 모가 변경되는 경우, 생산·사업· 용역 수행 사업주 및 시설주는 환경영향평가 보고서를 작성하여 심의 및 승인 권한이 있는 기관 에 송부하여야 한다.

제34조 환경보호계획 인증기관의 책임

1. 인증된 환경보호계획에 따라 환경보호조치의 이행사항을 검사 한다.

2. 생산·사업·용역 수행 사업주 와 생산·사업·용역 수행 사업 및 방안 관련 단체·개인의 환경보호 에 관련된 건의사항을 접수 및 처리한다.

3. 생산·사업·용역 시설주 및 사 업투자주, 그리고 생산·사업·용역 사업 및 방안을 수행하는 중 발 생하는 환경사고의 처리와 관련 하여 기관·단체·개인과 협력한다.

제3장 천연자원의 개발, 이용 시의 환경보호

제35조 천연자원 및 생물다양성의 이용에 대한 조사, 평가 및 계획 수립 시의 환경보호

1. 천연자원 및 생물다양성은 합 리적 이용을 위한 기본계획의 수 립 근거로 활용되도록 그 실태, 재생가능성, 경제적 가치가 조사 및 평가되어야 하며, 개발허용한 도, 자원세율, 환경보호비용, 환 경복구기금, 생물다양성의 회복, 환경 관련 손해배상, 자원환경의 보호를 위한 기타의 조치가 확정 되어야 한다.

2. 천연자원의 이용을 위한 기본 계획의 조사, 평가 및 수립은 법 률 규정에 따라 시행되어야 한 다.

제36조 산림자원의 보호 및 지속 가능한 개발

모든 생산·사업·용역 활동 및 산 림 관련 토양·물·공기의 환경과 생물다양성에 영향을 미치는 기 타의 활동은 이 법과 「생물다양 성에 관한 법률 」 , 「 산림보호 및 개발에 관한 법률」 및 관련 법률 규정에 따라 시행된다.

제37조 천연자원의 기본조사, 탐 사, 개발 및 이용 시의 환경보호

1. 천연자원의 기본조사, 탐사, 개발 및 이용 시 관할 기관이 승 인한 기본계획을 준수하여야 한 다.

2. 천연자원의 탐사, 개발 및 이 용에 관한 허가서에는 법률 규정 에 따른 환경보호 관련 내용이 포함되어야 한다.

3. 천연자원의 기본조사, 탐사, 개발 및 이용 과정 중, 단체 및 개인은 환경보호 관련 요구사항 을 이행할 책임이 있으며, 이 법 및 관련 법률 규정에 따라 환경 을 복원하여야 한다.

제38조 광물의 탐사, 개발 및 가공 활동 시의 환경보호

1. 단체 및 개인은 광물의 탐사, 개발 및 가공 시, 환경사고의 예 방 및 대응조치를 마련하고 다음 의 환경에 대한 보호, 개선 및 복원 관련 요구사항을 이행한다.

a) 법률 규정에 따라 폐수를 집수 및 처리한다. b) 고형폐기물 관리에 관한 규정에 따라 고형폐기물을 수거 및 처리한다. c) 먼지, 독성기체 및 기타 주변 환경에 악영향을 미치 는 기체의 발산을 방지 및 제한하는 조치를 마련한다. d) 광물 탐사, 개발, 가공의 전과정에 대한 환경 개선 및 복원계획을 마련하고 광물의 탐사, 개발 및 가공 과정 중 환경 개선 및 복원 작업을 진행하여야 한다. đ) 법률 규정에 따라 환경복 원을 위한 부담금을 납부한 다.

2. 유독성 광물은 전용장치에 보 관되어 운송되어야 하며, 환경으 로 방출되지 않도록 차폐되어야 한다.

3. 광물 탐사, 개발, 가공 시의 독성화학물질 및 환경에 악영향 을 미치는 기계, 장치의 사용은 환경보호에 관한 국가관리기관의 검사, 감독을 받아야 한다.

4. 방사성 원소, 독성물질, 폭발 물질을 함유하는 석유·가스 및 기타 광물의 탐사, 개발, 운송 및 가공은 이 법 및 화학물질 안 전, 방사선 안전, 핵 안전에 관 한 법률 규정을 이행하여야 한 다.

5. 자원환경부는 산업무역부와 관련 부, 부급 기관, 정부기관 및 성급 인민위원회가 광물 개발 및 가공시설의 배출원 통계의 지 도 및 환경오염 유발도를 평가하 고, 각 시설의 환경보호에 관한 법률 이행 여부를 검사, 감독하 도록 지도 및 협조한다.

제4장 기후변화에 대한 대응

제39조 기후변화에 대한 대응 관 련 통칙

1. 모든 환경보호 활동은 기후변 화에 대한 대응과 조화를 이루어 야 한다.

2. 단체 및 개인은 생산·사업·용 역 활동 시 이 법 및 관련 법률 규정에 따라 기후변화에 대한 대 응 및 환경보호 관련 요구사항을 이행할 책임이 있다.

3. 부, 부급 기관, 각급 인민위원 회는 자신의 관리범위 내에서 기 후변화에 대한 대응 및 환경보호 활동을 수립 및 이행 전개한다.

4. 자원환경부는 정부가 기후변 화에 대한 대응 활동을 수립, 시 행 및 지도할 수 있도록 지원한다.

제40조 기후변화에 대한 대응 내 용의 사회-경제적 발전 전략·기본 계획·계획과의 통합

1. 기후변화에 대한 대응 내용은 사회-경제적 발전 전략·기본계 획·계획과 이 법 제13조에 규정 된 전략적 환경평가 보고서를 작 성하여야 하는 대상에 속하는 분 야 및 업종의 발전 기본계획에 반영되어야 한다.

2. 기후변화에 대한 대응 내용의 사회-경제적 발전 전략·기본계 획·계획과 분야 및 업종의 발전 기본계획과의 통합은 환경 및 기 후변화에 대한 전략·기본계획·계 획 활동과 환경보호 및 기후변화 에 대한 대응 해결방안 구축 간 의 상호 영향평가에 기초하여야 한다.

제41조 온실가스의 배출 관리

1. 온실가스 배출 관리의 내용은 다음과 같다.

a) 온실가스 검증에 관한 국 가의 체계 구축 b) 경제·사회적 조건에 부합 하는 온실가스 감축활동의 수행 c) 산림자원의 지속가능한 관 리, 산림탄소저장량의 보존 및 증진, 생태계의 보호 및 개발 d) 온실가스 배출량의 검증 및 감축에 관한 규정 준수 여부에 대한 검사 및 감독 đ) 국내 탄소배출권시장의 형 성 및 발전과 세계 탄소배 출권시장에의 참여 e) 온실가스의 감축에 관한 국제협력

2. 자원환경부는 관계부처가 온 실가스를 검증하고 베트남사회주 의공화국이 당사국인 국제협약에 부합하는 온실가스 배출량 관리 에 관한 국가 보고서를 작성하도 록 지도 몇 협조한다.

제42조 오존층 파괴 물질의 관리

1. 오존층 파괴 물질을 관리, 감 축 및 제거하기 위한 전략 및 계 획의 수립과 시행에 우선순위를 둔다.

2. 베트남사회주의공화국이 당사 국인 국제협약의 규정에 따라 오 존층 파괴 물질의 수출입, 임시 수입 후 재수출 및 사용을 금지 한다.

제43조 재생에너지의 개발

1. 재생에너지란 물, 바람, 에너 지, 태양광선, 지열, 파도, 바이 오연료 및 기타 재생가능 에너지 자원으로부터 개발되는 에너지를 말한다.

2. 재생에너지를 이용하는 기계, 장치 및 교통수단의 생산, 수입 및 이용을 권장한다.

제44조 환경 친화적 생산 및 소비

1. 기관, 단체, 가구 및 개인은 환경 친화적인 제품, 서비스의 생산 및 소비에 참여할 책임이 있다.

2. 국가예산을 이용하는 기관 및 단위의 장은 법률 규정에 따라 환경표지가 인증된 환경 친화적 인 제품 및 서비스를 우선적으로 사용할 책임이 있다.

3. 자원환경부는 정보통신기관이 환경 친화적인 제품 및 서비스에 대하여 소개·홍보하도록 지도 및 협조한다.

제45조 폐기물로부터의 에너지 회 수

1. 생산·사업·용역 시설주는 폐 기물을 감축, 재활용 및 재생하 고 폐기물로부터 에너지를 회수 할 책임이 있다.

2. 국가는 폐기물을 감축, 재활 용 및 재생하고 폐기물로부터 에 너지를 회수하도록 권장하는 정 책을 수립힌다.

제46조 기후변화에 대응하기 위한 공동체의 권리 및 책임

1. 공동체는 국가기밀 목록에 해 당하는 정보를 제외하고, 기후변 화에 관한 정보를 제공받고 정보 의 제공을 요청할 권리가 있다.

2. 공동체는 기후변화에 대응하 기 위한 활동에 참여할 책임이 있다.

3. 기후변화 관리기관은 정보를 제공하고 공동체의 인식을 제고 시키는 활동을 펼치며, 공동체가 기후변화 대응활동에 참여하기에 유리한 여건을 조성할 책임이 있 다.

제47조 기후변화에 대응하기 위한 과학·기술의 개발 및 응용

1. 다음의 기후변화 대응에 관한 기술의 연구, 이전 및 응용 활동 은 우대된다.

a) 경제-사회적 발전, 환경 및 공동체의 건강과 관련한 기후변화의 관리, 평가, 제 어 및 예측에 관한 부문 및 부처 간의 과학 개발활동 b) 온실가스의 감축 및 기후 변화에 적응하기 위한 현대 기술의 응용·개발 및 이전 과 기초과학 연구·조사 활 동, 주요 경제·생산부문의 경쟁력 강화 및 저탄소 녹 색성장 경제개발 활동

2. 생산·사업·용역 기관, 단체 및 시설은 기후변화에 대응하기 위 한 과학기술 연구, 이전 및 응용 활동을 수행하거나 관련 활동에 참여할 책임이 있다.

제48조 기후변화의 대응에 관한 국제협력

1. 국가는 녹색경제를 지향하고 자 기후변화에 대응하기 위한 투 자유치, 재정적 지원, 기술 개발 및 이전, 역량강화와 관련된 국 제협력 정책을 마련한다.

2. 정부는 베트남사회주의공화국 이 당사국인 국제협약의 약속 및 경제-사회적 조건에 부합하는 지구온실가스 감축활동에 참여하 는 방식 및 계획에 대하여 규정 한다.

제5장 해양 및 도서의 환경 보호

제49조 해양 및 도서의 환경 보호 에 관한 통칙

1. 해양 및 도서 관련 국방·안보 및 사회-경제적 발전 전략·기본 계획·계획에는 기후변회에 대한 대응, 환경보호에 관한 내용이 포함되어야 한다.

2. 본토, 도서 및 해양 활동으로 인한 배출원은 법률 규정에 따라 제어, 제한, 감축 및 처리되어야 한다.

3. 해양 및 도서의 환경사고에 대한 예방 및 대응은 국가관리기 관, 구호·구난단체 및 기타 관련 단체·개인과 긴밀히 협력하여야 한다.

4. 해양 및 도서에서 활동하는 단체 및 개인은 환경사고에 주도 적으로 대응하여야 하며, 해양 및 도서의 환경사고에 대응 시 국가관리기관 및 기타 관련 단체·개인과 협력할 책임이 있다.

5. 해양, 도서, 자연보존지역, 맹 그로브, 자연유산지역 및 도서의 자원 활용을 위한 전략·기본계획 ·계획은 환경보호전략 및 기본계 획에 부합하여야 한다.

제50조 해양 및 도서의 환경오염 제어 및 처리

1. 해양 및 도서에서 발생하고 본토에서 해양으로 직접 배출되 는 폐기물은 통계로 작성되고, 분류 및 평가되어야 하며, 환경 기술규준에 따라 예방, 감축, 및 처리 가능한 해결방안이 마련되 어야 한다.

2. 해양 및 도서에서 활동 시 사 용되는 기름, 시추 유체, 선박평 형수, 화학물질 및 기타 독성물 질은 사용이 완료된 이후에 폐기 물 관리에 관한 규정에 따라 회 수, 보관, 운송 및 처리되어야 한다.

3. 해양 및 도서 내 폐기물 투기 및 배출은 폐기물 종류의 특성, 성질에 근거하여야 하며, 관할 국가관리기관의 허가를 받아야 한다.

4. 해양 및 도서 환경의 오염제 어 및 처리는 베트남사회주의공 화국이 당사국인 해양 및 도서에 관한 국제협약을 준수하여야 한 다.

제51조 해양 및 도서 환경사고의 방지 및 대응

1. 해양 및 도서에서 환경사고를 유발할 위험이 있는 활동을 수행 하는 단체 및 개인은 환경사고의 방지·대응 계획 및 자원을 마련 하고 이를 관할 국가기관에 통보 하여야 한다.

2. 부, 부급 기관, 정부기관 및 성급 인민위원회는 자신의 임무, 권한의 범위 내에서 해양 환경사 고에 관하여 적시에 경고 및 통 보하고 후과(後果)에 대한 대응 및 극복 책임이 있다.

제6장 물, 토지 및 대기환경의 보 호

제1절 강물환경의 보호

제52조 강물환경의 보호에 관한 통칙

1. 강물환경의 보호는 강물 개발 및 이용에 관한 기본계획, 계획 의 기본내용에 포함된다.

2. 강 유역으로 유입되는 배출원 은 강의 수용능력에 부합하여 관 리되어야 한다.

3. 강물, 퇴적물의 질은 감시 및 평가되어야 한다.

4. 강 유역의 환경보호는 생물다 양성의 보존과 강물의 개발 및 이용과 연계되어야 한다.

5. 생산·사업·용역 시설주, 단체, 가구 및 개인은 법률 규정에 따 라 폐기물이 강 유역으로 배출되 기 전 감축 및 처리되도록 할 책 임이 있다.

제53조 강 유역의 수환경오염 제 어 및 처리 내용

1. 강 유역으로 배출되는 폐기물 관련 통계를 작성하고, 평가하 며, 감축 및 처리를 진행한다.

2. 강물 및 퇴적물의 질을 주기 적으로 관측 및 평가한다.

3. 강의 수용능력을 조사·평가하 고, 폐기물을 수용할 수 없는 강 의 구간을 공표하며, 강으로 배 출되는 폐수의 할당량을 결정한 다.

4. 오염된 강 및 강 구간의 오염 을 처리하고 환경을 개선한다.

5. 국경을 넘는 강의 퇴적물과 수환경의 질을 관측 및 평가하고, 법률 및 국제관습에 기초하 여 정보를 교류한다.

6. 강 유역의 환경보호에 관한 사업을 수립 및 수행한다.

7. 강물의 관리, 개발 및 이용을 위하여 강 유역의 수환경 및 퇴 적물에 관한 정보를 공개한다.

제54조 성(省) 내부 강 유역 수환 경 보호에 대한 성급 인민위원회의 책임

1. 강 유역으로 유입되는 배출원 의 정보를 공개한다.

2. 강 유역으로 유입되는 배출원 의 방지 및 제어 활동을 지도 및 조직한다.

3. 강의 수용능력을 평가하고, 강으로 배출되는 폐수의 할당량 을 발표하며, 폐기물을 수용할 수 없는 강의 구간에 관한 정보 를 공표한다.

4. 강 유역 환경오염으로 인한 손해를 평가하고 오염을 처리한 다.

5. 강 유역의 환경보호사업을 수 립 및 수행하도록 지도한다.

제55조 강 유역의 수환경 보호에 대한 자연환경부의 책임

1. 성 사이에 위치하고 국경을 넘는 강 유역의 수환경 및 퇴적 물의 질을 평가한다.

2. 수용능력을 조사 및 평가하 고, 이용 수준에 부합하는 폐수 의 할당량을 결정하며, 정보를 공표한다.

3. 강 유역의 수환경 및 퇴적물 에 대한 환경기술규준을 공표하 고 시행에 대하여 안내한다.

4. 강 유역의 수용능력에 관한 평가업무, 성 사이에 위치한 강 으로 유입되는 폐수의 할당량, 오염된 강 및 강 구간의 오염 극 복 및 환경 개선에 대하여 공표 및 안내한다.

5. 성 사이에 위치한 강 유역의 환경보호활동을 조직 및 지도한 다.

6. 오염을 유발하는 배출원, 손 해의 정도 및 성 사이에 위치한 강 유역의 오염 처리에 대하여 평가한다.

7. 강 유역의 수환경 및 퇴적물 의 질에 관한 정보를 통합하고, 매년 정부 총리에게 보고한다.

8. 정부 총리가 성 사이에 위치 한 강 유역의 환경보호사업을 승 인하도록 사업을 수립하고 제시 한다.

제2절 기타 수자원의 환경보호

제56조 호수, 연못, 수로, 도랑, 개 천의 환경보호

1. 호수, 연못, 수로, 도랑, 개천 수자원의 담수량 및 질은 조사 및 평가되고 수자원의 조절을 위 하여 보호되어야 한다.

2. 도시 및 거주지 내 호수, 연 못, 수로, 도랑, 개천은 개선 및 보호를 위하여 계획되어야 한다.

3. 단체 및 개인은 호수, 연못, 수로, 도랑, 개천에 인접한 제방 또는 수면 유역을 침범하거나 주 택, 건물을 불법으로 건축해서는 아니 된다.

4. 성급 인민위원회는 호수, 연 못, 수로, 도랑, 개천의 담수량 및 질을 조사 및 평가하고 물 관 련 제도를 보호 및 조절하기 위 한 계획을 수립하며, 환경오염을 유발하고 도시미관을 해치며 습 지생태계의 쇠퇴 및 그 흐름을 저하시키는 호수, 연못, 수로, 도 랑, 개천의 주택 및 건물 구역 또는 클러스터의 이전 및 개선 계획을 수립 및 시행할 책임이 있다.

제57조 수리(水利), 수력 목적으로 이용하는 저수지의 환경보호

1. 수리, 수력 목적으로 이용하 는 저수지의 건설, 관리 및 운영 은 환경보호와 밀접한 관련이 있 어야 한다.

2. 저수지 면적을 침범하거나 저 수지로 고형폐기물, 흙, 돌을 투 기해서는 아니 되며, 환경기술규 준을 충족하도록 처리되지 않은 폐수를 저수지로 배출해서는 아 니 된다.

3. 수리, 수력 목적으로 이용하 는 저수지의 관리기관은 최소 3 개월에 한 번마다 정기적으로 저 수지를 관측할 책임이 있다.

제58조 지하수의 환경보호

1. 지하수의 탐사 및 개발 시 관 할 국가기관에서 허용하는 목록 내에 있는 화학물질류만이 사용 된다.

2. 지하수의 탐사 및 개발을 통하여 지하수원의 오염을 방지할 수 있는 조치를 취한다. 지하수 를 개발하는 시설은 탐사 및 개 발 구역의 환경을 복원할 책임이 있다. 더 이상 이용하지 않는 개 발 및 탐사공은 적합한 기술규준 에 따라 메워야 한다.

3. 독성화학물질, 방사성물질을 사용하는 생산·사업·용역 시설은 독성화학물질 및 방사성물질이 지하수원으로 누출 및 발산되지 않도록 보장하는 조치를 마련하 여야 한다.

4. 화학물질 보관창고, 유해폐기 물의 처리 및 매립시설은 기술안 전을 보장하도록 건설되어야 하 며, 독성화학물질이 지하수원으 로 스며들지 않도록 법률 규정에 따른 조치를 마련하여야 한다.

5. 지하수의 오염을 유발하는 단 체 및 개인은 지하수의 오염을 처리할 책임을 진다.

제3절 토지환경의 보호

제59조 토지환경의 보호에 관한 통칙

1. 토지환경 보호란 토양자원 관 리의 기본적 사항 중 하나를 말 한다.

2. 토지를 사용하는 기본계획, 계획, 사업 및 각종 활동은 토지 환경에 대한 영향을 고려하고 토 지환경의 보호를 위한 해결책을 마련하여야 한다.

3. 토지사용권을 받은 단체, 가 구 및 개인은 토지환경을 보호할 책임이 있다.

4. 토지환경의 오염을 유발하는 단체, 가구 및 개인은 토지환경 을 처리, 개선 및 복원할 책임이 있다.

제60조 토양환경의 질 관리

1. 토양환경의 질은 조사, 평가, 분류, 관리되고 관련 단체 및 개 인에에게 관련 정보가 공개되어 야 한다.

2. 폐기물의 토양환경으로의 배 출은 토양환경의 수용용량을 초 화해서는 아니 된다.

3. 토양 황폐화의 위험이 있는 토지는 제한되고 감시 및 제어되 어야 한다.

4. 황폐화된 토지는 개량 및 복 원되어야 한다.

5. 환경보호 관련 국가관리기관 은 토양환경의 질에 관한 정보를 조사, 평가 및 공개할 책임이 있 다.

제61조 토양환경오염의 제어

1. 토양환경의 오염을 유발할 위 험이 있는 요소는 확정되고, 통 계로 작성되며, 평가 및 제어되 어야 한다.

2. 환경보호 관련 국가관리기관 은 토양환경오염을 제어할 책임 이 있다.

3. 생산·사업·용역 시설은 시설 내 토양환경오염 제어조치를 이 행할 책임이 있다.

4. 전쟁에 사용된 제초제, 살충 제 및 기타의 독성물질에서 파생 된 다이옥신으로 오염된 토지 및 진흙은 환경보호 관련 요구사항 을 보장하기 위하여 조사, 평가, 제한 및 처리되어야 한다.

5. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제4절 대기환경의 보호

제62조 대기환경의 보호에 관한 통칙

1. 환경으로 배출되는 가스는 평 가 및 제어되어야 한다.

2. 환경에 악영향을 미치는 가스 를 배출하는 생산·사업·용역 활 동을 수행하는 단체 및 개인은 법률 규정에 따라 대기환경의 질 을 보장하도록 관련 기체를 감축 및 처리할 책임이 있다.

제63조 주변 대기환경의 질 관리

환경보호 관련 국가관리기관은 주변 대기환경의 질을 감시 및 평가하고 정보를 공개적으로 공 표할 책임이 있으며, 주변 대기 환경이 오염된 경우에는 적시에 경고 및 처리하여야 한다.

제64조 대기환경 오염의 제어

1. 가스 배출원의 경우에는 가스 의 유량, 성질 및 특성에 대하여 결정되어야 한다.

2. 가스를 배출하는 사업, 활동 의 검토 및 승인은 대기환경용량 을 근거로 삼으며, 인간과 환경에 악영향을 미치지 않도록 보장 되어야 한다.

3. 대규모의 산업가스를 배출하 는 생산·사업·용역 시설은 오염 유발원을 등록 및 측정하고 통계 를 작성하며, 가스의 유량, 성질 및 특성에 관한 데이터베이스를 입력 및 구축하여야 한다.

4. 다량의 산업가스를 배출하는 생산·사업·용역 시설은 자동 가 스관측설비를 설치하고, 관할 국 가관리기관으로부터 배출 허가를 받아야 한다.

5. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제7장 생산·사업·용역 활동 시의 환경보호

제65조 경제구역의 환경보호

1. 경제구역에는 법률 규정에 따 른 환경 환경보호 기반시설이 있 어야 한다.

2. 경제구역 관리위원회에는 환 경보호 전담부서가 있어야 한다.

3. 경제구역 관리위원회는 환경 보호활동을 수행하는 지역의 환경보호와 관련하여 국가관리기관 과 협력하고, 법률 규정에 따라 경제구역의 환경보호업무에 관하 여 보고한다.

4. 자원환경부 장관은 이 조에 대하여 상세히 규정한다.

제66조 공업단지, 수출가공구역, 첨단기술구역의 환경보호

1. 공업단지, 수출가공구역, 첨단 기술구역 관리위원회는 환경보호 활동을 검사하는 지역의 환경보 호와 관련하여 국가관리기관과 협력하고, 법률 규정에 따라 공 업단지, 수출가공구역, 첨단기술 구역의 환경보호업무에 관하여 보고한다.

2. 공업단지, 수출가공구역, 첨단 기술구역 관리위원회에는 환경보 호 전담부서가 있어야 한다.

3. 공업단지, 수출가공구역, 첨단 기술구역 기반시설을 건설 및 운 영하는 투자자는 다음의 요구사 항을 보장하여야 한다.

a) 각종 활동 및 기능구역의 기본계획은 환경보호활동에 부합하여야 한다. b) 환경기술규준을 충족하는 집중폐수 집수 및 처리시스 템과 연속적인 자동 폐수관 측시스템에 투자하며, 폐수 의 유량을 측정하는 설비를 마련한다. c) 환경보호 임무를 수행하기 에 적합한 전문부서를 배치 한다.

4. 자원환경부 장관은 이 조에 대하여 상세히 규정한다.

제67조 산업클러스터, 집중 사업및 용역구역의 환경보호

1. 산업클러스터 기반시설을 건 설 및 운영하는 투자자는 다음의 환경보호활동을 이행하여야 한 다.

a) 환경보호 방안을 수립한 다. b) 환경기술규준을 충족하는 폐수 집수 및 처리시스템에 투자한다. c) 법률 규정에 따라 환경관 측을 실시한다. d) 환경보호 담당자를 배치한 다.

2. 집중 사업 및 용역구역은 다 음의 환경보호활동을 이행하여야 한다.

a) 환경보호 방안을 수립한 다. b) 환경기술규준을 충족하는 폐수, 고형폐기물의 수집시 스템에 투자한다. c) 환경보호 담당자를 배치한 다.

3. 현급 인민위원회는 다음의 책 임이 있다.

a) 산업클러스터, 집중 사업 및 용역구역의 환경보호 방 안의 수립, 전개를 검사 및 감독한다. b) 산업클러스터, 집중 사업 및 용역구역의 환경보호 사 업에 관하여 국가기관에 보 고한다.

4. 자원환경부 장관은 이 조에 대하여 상세히 규정한다.

제68조 생산·사업·용역 시설의 환 경보호

1. 생산·사업·용역 시설은 다음 의 환경보호 관련 요구사항을 충 족하여야 한다.

a) 환경기술규준을 보장하도 록 폐수를 집수 및 처리한 다. b) 법률 규정에 따라 고형폐 기물을 수집, 분류, 보유, 처리 및 폐기한다. c) 법률 규정에 따라 먼지, 기체를 감축·수집·처리하고, 독성기체가 환경으로 누출 및 발산되지 않도록 보장하 며, 주변 환경 및 근로자에 게 악영향을 미치는 소음· 진동이나 빛 또는 열의 발 생을 제한한다. d) 환경사고의 예방 및 대응 능력을 갖춘 인적자원 및 설 비를 확보한다. đ) 환경보호 방안을 수립 및 이행한다.

2. 다음의 경우에 해당하는 생산 시설 또는 창고는 거주지에 악영 향을 미치지 않도록 간격을 확보 하여야 한다.

a) 가연성, 폭발성 물질이 있는 경우 b) 방사성 물질 또는 강한 방 사선을 포함하는 경우 c) 인간과 생물에 해로운 독 성물질이 있는 경우 d) 먼지, 냄새, 소음의 발산 이 인간의 건강에 악영향을 미치는 경우 đ) 수원을 오염시키는 경우

3. 다량의 폐기물을 발생시키거 나 환경에 심각한 영향을 미칠 위험이 있는 생산·사업·용역 시 설은 환경보호 관련 전문부서나 책임자가 있어야 하며, 정부 규 정에 따른 환경관리시스템의 인 증을 받아야 한다.

4. 생산·사업·용역 시설주는 이 조 제1항·제2항 및 제3항과 관련 법률 규정에 따라 환경보호 관련 요구사항을 이행할 책임이 있다.

제69조 농업생산 시의 환경보호

1. 식물보호제, 수의약품을 생산, 수입, 거래, 사용하는 단체·개인 은 이 법 제78조제1항 및 제2항 의 환경보호 관련 규정을 이행하여야 한다.

2. 사용기간이 만료된 비료 및 가축사육환경처리제품, 사용이 완료된 비료·식물보호제·수의약 품 도구 및 포장은 폐기물 관리 관련 규정에 따라 처리되어야 한 다.

3. 밀집가축사육지역은 환경보호 방안을 마련하고 다음의 요구사 항을 충족하여야 한다.

a) 거주지의 위생환경을 보장 한다. b) 폐기물 관리규정에 따라 폐수, 고형폐기물을 수집 및 처리한다. c) 가축우리·농장은 정기적으 로 위생처리되고, 전염병의 예방 및 방지가 보장되어야 한다. d) 전염병으로 죽은 축산물의 사체는 유해폐기물 관리 및 위생방역에 관한 규정에 따 라 관리되어야 한다.

제70조 공예촌의 환경보호

1. 공예촌은 다음의 환경보호 관 련 요구사항을 충족하여야 한다.

a) 공예촌 환경보호 방안을 마련한다. b) 환경기술규준을 충족하는 폐기물의 수집·분류·저장·처 리·폐기를 보장하는 기반시 설을 갖춘다. c) 환경보호 자치단체가 있 다.

2. 공예촌에서 정부가 정하는 바 에 따라 발전격려대상에 포함하 는 업종에 종사하는 생산시설은 다음의 요구사항을 충족하여야 한다.

a) 법률 규정에 따라 환경보 호 방안을 수립하고 이행한 다. b) 법률 규정에 따라 소음·진 동·빛·먼지·열·가스·폐수의 감축 및 현장에서의 오염처 리, 고형폐기물의 수집·분류· 저장·처리를 위한 방안을 이 행한다.

3. 이 조 제2항에서 규정하는 대 상에 해당하지 않는 생산시설은 다음의 요구사항을 충족하여야 한다.

a) 이 법 제68조 제1항의 규 정을 준수한다. b) 관할 국가기관이 정하는 바에 따른 생산업종의 변경·이전계획을 준수한다.

4. 공예촌이 있는 사급 인민위원 회의 책임은 다음과 같이 규정된 다.

a) 지역에서 공예촌을 위한 환경보호 방안을 수립 및 이 행한다. b) 공예촌 환경보호 자치단체 의 활동에 대하여 안내한다. c) 매년 현급 인민위원회에 공예촌 환경보호에 대하여 보고한다.

5. 공예촌이 있는 현급 인민위원 회의 책임은 다음과 같이 규정된 다.

a) 지역에서 공예촌 환경보호 업무에 대하여 지도·안내·검 사 및 감독한다. b) 매년 성급 인민위원회에 공예촌 환경보호에 대하여 보고한다.

6. 공예촌이 있는 성급 인민위원 회의 책임은 다음과 같이 규정된 다.

a) 공예촌의 기본계획·건설· 정비 및 개발은 환경보호와 연계한다. b) 공예촌 환경보호 활동을 위한 예산을 마련한다. c) 지역에서 공예촌의 환경오 염 정도 평가 및 오염처리를 지도 및 실행한다. d) 공예촌을 위하여 폐수 집 수처리시스템, 일반 고형폐 기물 및 유해폐기물의 수집· 처리장을 구축하도록 지도한 다. đ) 공예촌 공업단지, 산업클 러스터의 기본계획을 실시하 며, 심각한 환경오염을 유발 하는 시설을 거주지 밖으로 이전시킬 계획을 마련한다.

7. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제71조 수산양식 시의 환경보호

1. 수산용 수의약품, 화학물질을 생산·수입·매매하는 단체·개인은 환경보호에 관한 법률 규정 및 관련 법률 규정에 따라 양식업을 이행하여야 한다.

2. 유통기한이 만료되거나 수산 양식 허용품목에서 제외된 수상용 수의약품, 화학물질을 사용하 여서는 아니 된다.

3. 유통기한이 만료된 수상용 수 의약품·수산양식용 화학물질, 사 용이 완료된 수상용 수의약품· 수산양식용 화학물질의 포장, 수 산양식장 청소 시 잔류한 진흙 및 사료는 폐기물 관리에 관한 규정에 따라 수집 및 처리되어야 한다.

4. 집중 수산양식장은 기본계획 에 부합해야 하고 다음의 환경보 호 요구사항을 충족하여야 한다.

a) 폐기물은 법률 규정에 따 라 수집 및 처리되어야 한 다. b) 수산양식 활동이 종료된 이후에 환경을 복원한다. c) 위생적인 환경 조건을 보 장하고 수산 전염병을 예방 하며, 독성화학물질이나 축 적성 독성화학물질을 사용하 여서는 아니 된다.

5. 강 하구에 형성된 범람원에서 는 집중 수산양식장을 건설하여 서는 아니 된다.

6. 수산양식을 위하여 맹그로브를 벌채하여서는 아니 된다.

제72조 병원 및 의료시설에 대한 환경보호

1. 병원 및 의료시설은 다음의 환경보호 요구사항을 이행하여야 한다.

a) 환경기술규준을 충족하는 의료폐수를 수집 및 처리한 다. b) 배출원에서 고형폐기물을 분류하며, 환경기술규준을 준수하여 의료용 고형폐기물 을 수집·운반·저장 및 처리 한다. c) 의료폐기물로 인한 환경사 고를 예방 및 대응하기 위한 계획·장비를 마련한다. d) 의료폐기물은 집중 저장, 처리, 폐기구역으로 운반되 기 전에 전염될 위험이 있는 병균을 제거하는 전처리를 거쳐야 한다. đ) 환경기술규준을 충족하는 가스를 처리한다.

2. 방사선기기 사용시설, 방사선 의료도구는 방사선 안전, 원자력 안전에 관한 법률의 요구사항을 충족하여야 한다.

3. 병원·의료시설 투자 사업주는 환경보호 관련 요구사항을 충족 하는 위생시설, 폐기물 수집·저 장·처리시스템을 구축하기 위한 예산을 충분히 마련할 책임이 있 다.

4. 병원·의료시설의 장은 이 조 제1항·제2항 및 제3항의 규정 및 관련 법률 규정에 따라 환경 보호 관련 요구사항을 이행할 책 임이 있다.

제73조 건설활동 시의 환경보호

1. 건설 기본계획은 환경보호에 관한 규정을 준수하여야 한다.

2. 환경에 악영향을 미치는 폐기 물을 유발하는 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설의 건축설계 및 예산에는 법률 규정에 따른 폐기물처리시설 항목을 포함시켜 야 한다.

3. 건축물의 시공은 다음의 환경 보호 요구사항을 충족하여야 한 다.

a) 주거지역 내의 공사장은 먼지·열·소음·진동·빛을 발산 할 시 환경기술규준을 초과 하지 아니하도록 보장하는 조치를 마련하여야 한다. b) 건설자재의 운반은 기술사 항을 보장하고 누출, 낙하 및 환경오염을 유발하지 아 니한 수단으로 이행되어야 한다. c) 폐수, 고형폐기물 및 기타 폐기물은 환경기술규준을 보 장하도록 수집 및 처리되어 야 한다.

제74조 운송 활동 시의 환경보호

1. 교통 기본계획은 환경보호에 관한 규정을 준수하여야 한다.

2. 도로 운송수단은 등록사업소 로부터 환경기술규준에 충족함을 확인 받아야 운행이 가능하다.

3. 원료, 자재, 폐기물의 운송수 단은 통행 시 낙하로 인해 환경 오염을 발생시키지 아니하도록 덮개를 씌워야 한다.

4. 위험물품의 운송 활동에 종사 하는 단체·개인은 법률 규정에 따라 환경보호를 위한 조건, 역 량을 충족해야 한다.

5. 환경사고를 유발할 위험이 있 는 물품·자재의 운반은 다음의 요구사항을 보장하여야 한다.

a) 환경으로의 누출·발산 방 지를 보장하기 위하여 전용 장비·수단을 사용한다. b) 관할 국가관리기관으로부 터 발급받은 운송허가서를 소지한다. c) 운송 시 허가서에 따른 지 정 경로 및 시간을 준수하여 야 한다.

제75조 물품 수입·국경통과 시의 환경보호

1. 수입하거나 국경을 통과하는 기계·장비·수단·원료·연료·화학물 질·물품은 환경보호 관련 요구사 항을 충족하여야 한다.

2. 다음의 기계·장비·수단·원료· 연료·화학물질·물품은 수입이 금 지된다.

a) 환경보호 관련 요구사항을 충족하지 아니한 기계·장비· 수단 b) 이 조 제3항에서 규정하 는 경우를 제외하고, 해체를 위한 중고 기계·장비·교통수 단 c) 수입금지 품목에 해당하는 원료·연료·자재·화학물질·물 품 d) 방사성물질·병균 및 기타 독성물질에 오염되어 정화되 지 않았거나 정화 불가능한 기계·장비·수단 đ) 유통기한이 만료되거나 식 품안전 규정에 충족하지 아니한 식품, 식품원재료, 식품첨가물, 가공보조제, 포장재 e) 유통기한이 만료되거나 품 질 기준에 부합하지 아니 한 약품·사람을 위한 약품 원료, 수의약품, 식물보호 제

3. 중고 선박의 수입은 환경기술 규준을 충족하여야 한다. 정부는 중고 선박의 수입·해체 허용대상 에 대하여 상세히 규정한다.

제76조 폐기물 수입 시의 환경보 호

1. 해외로부터 베트남으로 수입 된 폐기물은 환경기술규준에 충 족하여야 하며, 정부 총리가 규 정하는 바에 따라 폐기물 수입허 용 품목에 해당하여야 한다.

2. 폐기물을 수입하는 단체·개인 은 다음의 요구사항을 충족하여 야 한다.

a) 환경보호 조건에 충족하는 폐기물을 수집하기 위한 전 용 창고, 장소가 있다. b) 환경기술규준에 부합하는 폐기물 재생·재활용 및 폐기 물의 불순물 처리에 관한 기 술·장비를 갖춘다.

3. 폐기물을 수입하는 단체·개인 은 다음의 책임이 있다.

a) 생산재로 만들기 위한 폐 기물만 수입할 수 있다. b) 폐기물의 불순물 처리는 환경기술규준에 충족하도록 하여야 하며, 불순물을 제공 하거나 판매하여서는 아니 된다. c) 환경기술규준에 충족하지 아니한 폐기물은 반송시켜야 하며, 반송 불가능할 경우 폐기물관리에 관한 법률 규 정에 따라 처리하여야 한다. d) 정부 규정에 따라 수입폐 기물보장기금에 가입한다.

4. 성급 인민위원회는 다음의 책 임이 있다.

a) 수입폐기물에 관한 법률 위반행위를 검사·적발·방지 및 처분한다. b) 매년 자원환경부에 지역의 수입폐기물 수입·사용 현황 및 수입폐기물 관련 환경문 제에 대하여 보고한다.

제77조 축제·관광 활동 시의 환경 보호

1. 유적지구·유적지·관광지구·관 광지·숙박시설을 관리·개발하는 단체·개인은 다음의 환경보호 방 안을 이행하여야 한다.

a) 유적지구·유적지·관광지구· 관광지 환경보호규칙을 게시 하여 이행을 안내한다. b) 폐기물 수집장비, 위생시 설을 충분히 합리적으로 설 치 및 배치한다. c) 환경 정화에 인력을 배치 한다.

2. 유적지구·유적지·관광지구·관 광지·숙박시설 및 축제를 방문하 는 개인은 다음의 규정을 이행하 여야 한다.

a) 유적지구·유적지·관광지구· 관광지·숙박시설의 환경보호 규칙·안내를 준수한다. b) 지정한 장소에서 폐기물을 투기한다. c) 공공위생을 지킨다. d) 유적지구·유적지·관광지구· 관광지·숙박시설에서의 경관, 생물을 훼손하지 아니한다.

제78조 화학물질, 식물보호제, 수 의약품에 대한 환경보호

1. 화학물질, 식물보호제, 수의약 품을 생산·수입·매매·사용·운반· 저장·이전 및 처리하는 단체·개 인은 환경보호에 관한 법률 규정 및 관련 법률 규정을 이행하여야 한다.

2. 고독성, 지속가능성, 확산성을 가지고 환경에 축적되며 환경과 사람의 건강에 악영향을 미치는 독성을 가진 화학물질, 식물보호 제, 수의약품과 관련된 정보는 법률 규정에 따라 등록, 재고조 사, 통제, 위험성 평가, 관리 및 처리되어야 한다.

3. 자원환경부 장관은 산업무역 부 장관, 농업농촌개발부 장관과 협조하여 이 조에 대하여 상세히 규정하도록 지도한다.

제79조 연구시설, 실험실에 대한 환경보호

1. 연구시설, 실험실은 다음의 환경보호 요구사항을 이행하여야 한다.

a) 환경기술규준에 충족하도 록 폐수를 수집 및 처리한 다. b) 고형폐기물에 관한 법률 규정에 따라 배출원에서 고 형폐기물을 분류하여 수집 및 처리한다. c) 환경기술규준에 충족하도 록 연구분석용 견본·물품·화학물질을 처리 및 폐기한다. d) 환경사고에 예방·대응하는 계획·장비를 갖춘다.

2. 방사성물질을 사용하는 연구 시설, 실험실은 법률 규정에 따 라 방사선 안전, 원자력 안전에 관한 요구사항을 충족하여야 한 다.

3. 연구시설, 실험실의 장은 이 조 제1항·제2항 및 관련 법률 규 정에 따라 환경보호 관련 요구사 항을 이행할 책임이 있다.

제8장 도시, 거주지의 환경보호

제80조 도시, 거주지의 환경보호에 대한 요구사항

1. 도시환경보호는 자연·문화·역 사 요소의 유지와 연계되는 지속 가능한 발전의 원칙에 따라 이행 되며 기본계획에 따른 녹색공간 의 비율을 보장한다.

2. 관할 국가기관으로부터 승인 받은 도시·집중거주지 기본계획 에 부합하는 통일된 환경보호 기 반시설을 갖춘다.

3. 거주지 내 가구에 의하여 배 출원에서 분류된 고형 생활폐기 물을 현장분류·수거·수집을 하기 위하여 폐기물의 용량, 종류에 부합하고 폐기물 수용이 가능한 장비·수단·장소를 마련한다.

4. 도시경관, 환경위생에 관한 요구사항을 보장하며, 공공장소 에 위생시설을 설치 및 배치한 다.

5. 집중거주지·아파트 사업주는 이 조 제2항·제3항에 따라 환경 보호 관련 요구사항을 이행하여 야 한다.

6. 분산 거주지의 경우, 쓰레기 를 수집·처리하는 시스템과 장 소, 상수 공급시스템 및 친환경 적이고 청결하며 아름답고 안전 한 환경개발활동이 있어야 한다.

제81조 공공장소에서의 환경보호

1. 기관·단체·가구·개인은 공공장 소에서 환경보호 및 위생유지 관 련 규정을 이행하며, 공공 쓰레 기통이나 지정된 쓰레기 투기 장 소에서 쓰레기를 분류 및 이동하 며, 비위생적인 공공장소가 되지 아니하도록 반려동물을 관리할 책임이 있다.

2. 공원, 놀이터·오락장, 관광지 구, 시장, 기차역, 버스정류장, 선창, 항구, 페리터미널 및 기타 공공장소를 관리하는 단체·개인 은 다음의 책임이 있다.

a) 관리 범위 내에서 폐기물 수집 및 환경위생 유지에 인 력을 배치한다. b) 환경위생 유지 수요를 충 족하는 공공 위생시설, 폐기 물 수집 장비·수단을 배치한 다. c) 공공장소에 위생유지에 관 한 규정을 게시한다.

제82조 가구에 대한 환경보호 관 련 요구사항

1. 배출원에서 생활폐기물을 감 축·분류하여 지정된 장소로 이동 한다.

2. 생활폐수를 줄이고 지정된 장 소에서 처리 및 배출한다.

3. 주변 지역 공동체에 악영향을 미치지 아니하도록 환경기술규준 을 초과하는 가스를 발산하거나 소음·진동과 기타 영향을 유발하 여서는 아니 된다.

4. 환경보호비용을 기한에 맞추 어 충분히 납부하며, 법률 규정 에 따라 폐기물 수집·처리 용역 을 위한 비용을 지불한다.

5. 공공장소 및 거주지에서 환경 보호 활동에 참여한다.

6. 위생·안전을 보장하는 가축· 가금 사육시설, 위생시설을 갖춘 다.

제83조 환경보호 자치단체

1. 국가는 지역 공동체에 해당 지역의 환경보호 자치단체를 설 립하도록 장려한다.

2. 환경보호 자치단체는 자발적· 공동체 책임적·법률 규정 준수의 원칙에 따라 설립 및 운영되며 다음의 임무를 이행한다.

a) 가구·개인에게 환경보호 및 위생유지 규정을 이행하 도록 검사 및 촉구한다. b) 폐기물 수거·수집 및 처리 를 실행한다. c) 주거지 및 공공장소의 환 경위생을 유지한다. d) 환경보호 관련 자치 규약 을 수립 및 실행하며, 인민 에게 건강과 환경에 해롭고 비위생적인 습관·악습을 제 거하도록 선전 및 운동한다. đ) 지역에서 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설의 환경 보호 관련 법률 준수 여부를 감독하는 데 참여한다.

3. 사급 인민위원회는 자치단체 의 효율적인 환경보호 활동을 위 해서 조직·활동에 대하여 규정하 고 여건을 마련한다.

제84조 화장, 매장 시의 환경보호

1. 화장, 매장 장소는 다음의 요 구사항을 충족하여야 한다.

a) 기본계획에 부합하다. b) 거주지 경관·환경위생 관 련 요구사항에 충족하는 위 치, 거리에 있다. c) 주변 환경 및 수자원에 오 염을 발생시키지 아니한다.

2. 사체 및 유물의 안치, 방부처 리, 운반 및 매장은 환경위생 관 련 요구사항을 보장하여야 한다.

3. 위험한 전염병으로 사망한 자 의 매장은 보건부 규정에 따라 이행한다.

4. 장례 서비스를 제공하는 단체 ·개인은 환경보호·방역위생 관련 법률 규정을 준수하여야 한다.

5. 국가는 기본계획에 따른 공동 묘지에서 화장·토장 및 환경오염 을 유발하는 악습의 제거를 장려 한다.

제9장 폐기물 관리

제1절 폐기물 관리에 관한 일반규 정

제85조 폐기물 관리에 관한 요구 사항

1. 폐기물은 발생, 감축, 분류, 수거, 운송, 재활용, 재생 및 폐 기 과정 전반에 걸쳐 관리되어야 한다.

2. 유해폐기물이 섞인 일반폐기 물이 규정치를 초과하고 분류할 수 없는 경우에는 유해폐기물에 관한 법률 규정에 따라 관리하여 야 한다.

3. 정부는 폐기물 관리에 관하여 상세히 규정한다.

제86조 폐기물 감축, 재활용, 재생

1. 에너지의 재활용, 재생 및 회 수가 가능한 폐기물은 분류되어 야 한다.

2. 폐기물을 발생시키는 생산, 사업 및 서비스 시설 소유자는 폐기물로부터 에너지를 감축, 재 활용, 재생 및 회수하거나 에너 지의 재활용, 재생 및 회수에 적 합한 기능을 갖춘 시설로 이전할 책임이 있다.

제87조 폐기된 제품의 회수, 처리

1. 생산, 사업 및 서비스 시설 소유자는 폐기된 제품을 회수, 처리하여야 한다.

2. 소비자는 폐기된 제품을 규정 된 장소로 이전할 책임이 있다.

3. 환경보호 관련 국가관리기관, 각급 인민위원회는 생산, 사업 및 서비스 시설이 폐기된 제품을 수거하기에 편리한 여건을 조성 할 책임이 있다.

4. 폐기된 제품의 회수, 처리는 정부 총리의 결정에 따라 시행된다.

제88조 폐기물 관리에 관한 각급 인민위원회의 책임

각급 인민위원회는 고유의 임무 와 권한의 범위 내에서 다음의 책임을 진다.

1. 지역 내 폐기물 처리기술기반 계획을 수립, 승인, 실행 조직한 다.

2. 지역 내 폐기물 관리를 위한 공공시설물의 건설 및 운영에 투 자한다.

3. 법률 규정에 따른 폐기물 관 리활동을 지원 및 우대하기 위한 정책을 발표, 시행한다.

제89조 폐기물 관리에 관한 공업 구역, 수출가공구역, 첨단기술구역 투자자의 책임

1. 관리 범위 내에 폐기물 집결 지를 마련한다.

2. 집중폐수처리시스템을 구축 및 운영한다.

제2절 유해폐기물 관리

제90조 유해폐기물 처리 서류 작성, 등록 및 허가서 발급

1. 유해폐기물을 배출하는 자는 유해폐기물에 관한 서류를 작성 하고 성(省)급 환경보호 관련 국 가관리기관에 등록하여야 한다.

2. 조건에 부합하고 허가서를 발 급받은 단체 및 개인은 유해폐기 물을 처리할 수 있다.

3. 자원환경부는 유해폐기물 목 록 및 유해폐기물 처리허가서 발 급에 관하여 규정한다.

제91조 유해폐기물의 처리 전 분 류, 수거, 보관

1. 유해폐기물을 배출하는 자는 환경기술규준에 부합하도록 분 류, 수거, 보관 및 처리하여야 하며, 유해폐기물을 배출하는 자 가 환경기술규준에 부합하는 유 해폐기물 처리능력을 갖추지 못 한 경우에는 유해폐기물 처리허 가서를 받은 시설로 이전하여야 한다.

2. 유해폐기물은 인간과 환경에 부정적인 영향을 미치지 않도록 전용 설비 및 운송수단에 보관되 어야 한다.

제92조 유해폐기물의 운송

1. 유해폐기물은 적합한 전용 설 비 및 운송수단으로 운송되고 유 해폐기물 처리허가서상에 기록되 어야 한다.

2. 다른 국가로 운송되는 유해폐 기물은 베트남 사회주의공화국이 당사국인 국제조약을 준수하여야 한다.

제93조 유해폐기물 처리시설의 조 건

1. 관할 당국이 승인한 계획에 따른 장소에 위치한다.

2. 환경과 인간에 부정적인 영향 을 미치지 않도록 간격을 유지한 다.

3. 환경기술규준에 부합하여 유 해폐기물을 보관 및 처리하기 위 한 기술, 전용 설비 및 운송수단 을 갖춘다.

4. 환경보호를 위한 시설 및 대 책을 마련한다.

5. 자격증을 소지한 관리인력과 적합한 전문성을 갖춘 기술인력 을 보유한다.

6. 기술, 전용 설비 및 운송수단 의 안전한 운용을 위한 절차를 마련한다.

7. 환경보호 방안을 마련한다.

8. 운영 종료 이후의 환경복원계 획을 수립한다.

9. 자원환경부의 심사 및 승인을 받은 환경영향평가 보고서를 보 유한다.

제94조 환경보호계획상의 유해폐 기물 관리내용

1. 유해물질 배출원 및 배출량의 예측 및 평가

2. 분리수거 능력

3. 에너지 재활용, 재생 및 회수 능력

4. 수거, 재생 및 처리 장소의 위치, 규모

5. 유해폐기물 처리기술

6. 실행 재원

7. 실행 과정

8. 책임분담

제3절 일반 고형폐기물 관리

제95조 일반 고형폐기물의 분류 책임

편리한 에너지 재활용·재생·회수 및 처리를 위하여 일반 고형폐기물을 발생시키는 산업 시설, 상 업 시설, 서비스업 시설의 소유 자, 기관, 단체, 가구 및 개인은 일반 고형폐기물을 분류할 책임 이 있다.

제96조 일반 고형폐기물의 수집, 운반

1. 일반 고형폐기물은 지정된 장 소에 전용 수단·장비로 수집, 저 장 및 운반되어야 한다.

2. 환경보호 국가관리기관은 관 리 지역에서 일반 고형폐기물의 수집, 저장 및 운반을 실행할 책 임이 있다.

제97조 일반 고형폐기물의 에너지 재활용·재생·회수 및 처리

일반 고형폐기물을 발생시키는 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설의 소유자, 단체, 가구 및 개인은 일반 고형폐기물의 에너 지 재활용·재생·회수 및 처리를 수행할 책임이 있다. 일반 고형 폐기물의 에너지 재활용·재생·회 수 및 처리가 불가능할 경우, 에 너지 재활용·재생·회수 및 처리에 적합한 기능을 수행하는 시설 에 위탁해야 한다.

제98조 환경보호 기본계획에서의 일반 고형폐기물 관리 내용

1. 일반 고형폐기물의 배출원 및 배출량 평가 및 예상

2. 배출원의 수집·분류 능력

3. 에너지 재활용·재생 및 회수 능력

4. 수집·재생 및 처리 장소의 위치, 규모

5. 일반 고형폐기물 처리기술

6. 실행 재원

7. 실행 과정

8. 책임분담

제4절 폐수 관리

제99조 폐수 관리 관련 통칙

1. 폐수는 환경기술규준을 보장 하도록 집수 및 처리되어야 한 다.

2. 유해요소가 섞인 폐수는 규정 치를 초과하면 유해폐기물 관련 규정에 따라 관리되어야 한다.

제100조 폐수 집수 및 처리

1. 도시, 집중 거주지는 빗물 및 폐수를 위한 별도의 집수 시스템 을 갖춰야 한다.

2. 산업 시설, 상업 시설, 서비스 업 시설의 폐수는 환경기술규준 에 부합하도록 집수 및 처리되어 야 한다.

3. 폐수처리시스템에서 배출된 슬러지는 고형폐기물 관리와 관 련된 법률 규정에 따라 관리되 며, 유해요소가 섞인 슬러지 배 출 시 규정치를 초과하면 유해폐 기물 관련 법률 규정에 따라 관 리되어야 한다.

제101조 폐수처리시스템

1. 폐수처리시스템을 갖추어야 할 대상은 다음과 같다.

a) 집중 산업·상업·서비스 구 역 b) 공예촌의 공업단지·산업클 러스터 c) 집중 폐수처리시스템과 연 결되지 아니한 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설

2. 폐수처리시스템은 다음의 요 구사항을 충족하여야 한다.

a) 처리대상 폐수의 유형에 부합하는 기술적 공정이 있 다. b) 폐수 발생량에 부합하는 폐수처리능력이 충분하다. c) 환경기술규준에 부합하도 록 폐수를 처리한다. d) 배수시스템에 들어가는 배 출구는 점검 및 감독을 위하 여 편리한 위치에서 설치되 어야 한다. đ) 상시로 운영되어야 한다.

3. 폐수처리시스템 관리 소유자 는 처리 전후의 폐수를 정기적으 로 관측하여야 한다. 관측데이터 는 폐수처리시스템 운영의 감독 자료로 활용되도록 보관된다.

4. 대규모로 폐수를 배출하여 환 경에 악영향을 미칠 위험이 있는 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설은 폐수에 대한 자동측정을 실행하여 자원환경부의 규정에 따라 관할 국가관리기관에 데이 터를 제공하여야 한다.

제5절 먼지, 가스, 소음, 진동, 빛, 방사선의 관리 및 제어

제102조 먼지, 가스의 관리 및 제 어

1. 먼지, 가스를 발산하는 산업, 상업, 서비스 분야에서 활동하는 단체·개인은 환경기술규준을 보 장하도록 먼지, 가스를 제어 및 처리하여야 한다.

2. 먼지, 가스를 발산하는 교통 수단, 기계, 공사장에는 환경기 술규준을 보장하는 가스 정화·저 감장치, 먼지 감소를 위한 가리 개 또는 기타 해결방안을 마련하 여야 한다.

3. 유해요소가 섞인 먼지, 가스 는 규정치를 초과하면 유해폐기 물 관리 관련 법률 규정에 따라 관리되어야 한다.

제103조 소음, 진동, 빛, 방사선의 관리 및 제어

1. 소음, 진동, 빛, 방사선을 유 발하는 단체·개인은 환경기술규 준을 보장하도록 제어 및 처리하 여야 한다.

2. 주거지 내에서 소음, 진동, 빛, 방사선을 유발하는 산업 시 설, 상업 시설, 서비스업 시설은 이를 지역 공동체에 영향을 미치 지 아니하도록 저감조치를 이행 하여야 한다.

3. 소음, 진동, 빛, 방사선을 유 발하는 교통량 밀집도로를 관리 하는 단체·개인은 환경 기술규준 에 충족하는 저감조치를 취하여 야 한다.

4. 폭죽의 생산, 수입, 운반, 매 매 및 사용은 금지한다. 불꽃놀 이의 생산, 수입, 운반, 매매 및 사용은 정부 총리가 정하는 바에 의한다.

제10장 오염의 처리, 환경의 복원 및 개선

제1절 중대한 환경오염 유발 시설 의 조치

제104조 중대한 환경오염 유발 시 설의 조치

1. 중대한 환경오염 유발 시설이 란 심각한 수준에서 환경기술규 준을 초과하는 폐수, 가스, 먼지, 고형폐기물, 소음, 진동 및 기타 오염물질을 배출하는 행위를 한 시설을 말한다.

2. 중대한 환경오염 유발 시설은 법률 규정에 따른 행정위반 처벌 을 받아야 하며, 환경오염 처리 조치와 함께 중대한 환경오염 유 발 시설 목록에 등록된다.

3. 중대한 환경오염 유발 시설의 점검 및 적발은 매년 다음의 절 차대로 진행된다.

a) 성급 인민위원회는 각 부, 부급 기관, 정부기관이 이 항 제b호에서 규정하는 경우 를 제외하는 지역의 중대한 환경오염 유발 시설 목록 및 처리조치를 작성하도록 지도 및 협조하여 자원환경부에 이를 통합하도록 송부한 후, 결정을 얻기 위하여 정부 총 리에게 제시한다. b) 국방부, 공안부는 성급 인 민위원회가 국방·안보 분야 의 중대한 환경오염 유발 시 설 및 처리조치를 작성하도 록 지도 및 협조하여 자원환 경부에 이를 통합하도록 송 부한 후, 결정을 얻기 위하 여 정부 총리에게 제시한다. c) 자원환경부는 각 부, 부급 기관, 정부기관, 성급 인민위 원회가 중대한 환경오염 유 발 시설 목록 및 조치방법에 대한 결정을 얻기 위하여 정 부 총리에게 제출하도록 지 도 및 협조한다. d) 중대한 환경오염 유발 시 설에 대한 조치 결정은 그 중대한 환경오염 유발 시설 의 관할 현급·사급 인민위원 회에 통보하여야 하며, 지역 공동체가 감독 및 감시하도 록 공개하여야 한다.

4. 중대한 환경오염 유발 시설에 대한 조치실행 책임은 다음과 같 이 규정된다.

a) 성급 인민위원회는 각 부, 부급 기관, 정부기관이 지역 에서 중대한 환경오염 유발 시설에 대하여 조치를 실행 하도록 지도 및 협조한다. b) 국방부, 공안부는 성급 인 민위원회가 국방·안보 분야 의 중대한 환경오염 유발 시설에 대하여 조치를 실행하 도록 지도 및 협조한다. c) 각 부, 부급 기관, 정부기 관은 관할 성급 인민위원회 와 협조하여 관리 권한 내에 서 중대한 환경오염 유발 시 설에 대하여 조치를 실행할 책임이 있다. d) 각 부, 부급 기관, 정부기 관 및 성급 인민위원회는 매 년 중대한 환경오염 유발 시 설에 대한 조치시행 결과를 평가하여 자원환경부에 이를 통합하도록 제출한 후 정부 총리에게 보고한다.

5. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제2절 환경오염지역에서의 처리 및 복원

제105조 환경오염 복구 및 오염지 역 분류에 대한 통칙

1. 환경오염 복구란 환경오염지 역에서 환경과 사람에 대한 오염 의 영향을 감축하여 환경품질을 개선하는 활동을 말한다.

2. 환경오염지역은 세 가지의 등 급인 환경오염, 중대한 환경오 염, 매우 중대한 환경오염으로 분류된다.

제106조 오염복구 및 환경복원

1. 환경오염지역의 확인 시 다음 사항을 포함한다.

a) 환경오염지역의 범위, 경 계 확인 b) 오염정도 확인, 위험성 평 가 c) 원인, 관련 관계자의 책임 확인 d) 오염처리, 환경품질 복구 및 개선에 대한 해결방안 đ) 오염유발자에게 배상을 요 청하기 위하여 환경피해에 대하여 확인

2. 갱, 광산 개발사업은 개시하 기 전에 관할 정부기관에 환경 개선·복원 방안을 제출하여 승인 을 받으며, 환경 개선·복원 부담금을 납부하여야 한다. 환경 개 선·복원 방안의 주요 내용은 다 음과 같다.

a) 환경오염 유발 가능성, 범 위 및 정도 확인 b) 위험성 평가 c) 환경 개선·복원을 위한 가 능한 방안 선정 d) 사업 종료 시 환경 개선· 복원을 위한 계획 및 비용

제107조 오염복구 및 환경복원 시 의 책임

1. 단체·개인은 다음의 책임이 있다.

a) 환경오염 유발 위험이 있 는 사업을 진행할 때 환경 개선·복원 방안을 마련한다. b) 환경오염을 유발할 때 환 경 개선·복원 해결방안을 실 시한다. c) 하나 이상의 단체·개인이 공동으로 환경오염을 유발한 경우, 각자의 책임에 대하여 합의가 불가능할 때에는 환경보호 관련 국가관리기관이 관련 단체·개인과 협조하여 환경 개선·복원에서의 각 대 상의 책임을 밝힌다.

2. 성급 인민위원회는 지역에서 오염지역을 확인·조사하며, 매년 자원환경부에 보고한다.

3. 자원환경부는 다음의 책임이 있다.

a) 환경오염지역 분류기준을 정한다. b) 환경 개선·복원 활동의 실 천을 안내하며, 오염복구 및 환경개선 작업이 완료되었음 을 확인한다. c) 성 단위 간의 오염지역에 대한 오염복구 및 환경개선 활동을 조사·평가 및 실행한 다.

4. 자연재해로 야기되거나 원인 미상 환경오염의 경우, 각 부처 와 각급 인민위원회가 자신의 의무·권한 범위 내에서 오염복구 및 환경개선을 위하여 자원을 조 달할 책임이 있다.

제3절 환경사고의 예방, 대응, 복 구 및 처리

제108조 환경사고 예방

1. 환경사고 유발 위험이 있는 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설 및 운송수단의 소유자는 다 음의 예방조치를 이행하여야 한 다.

a) 환경사고 예방 및 대응 계 획을 수립한다. b) 환경사고 대응을 위한 장 비, 도구, 수단을 설치한다. c) 환경사고 대응을 위한 현 지부대를 교육, 훈련 및 구 축한다. d) 법률 규정에 따른 정기점 검을 실시하고 안전조치를 적용한다. đ) 환경사고의 징후 발견 시 환경사고 유발 원인을 제거 하는 조치를 마련한다.

2. 각 부, 부급 기관 및 성급 인 민위원회는 자신의 의무·권한 범 위 내에서 다음의 내용을 이행한 다.

a) 전국, 각 지역, 지방 범위 내에서 발생할 수 있는 환경 사고의 종류에 대한 위험성 을 조사, 통합 및 평가한다. b) 환경사고의 예방, 위험경 고 및 대응능력을 구축한다. c) 매 5년마다 환경사고 예방 및 대응 계획을 수립한다.

제109조 환경사고 대응

1. 환경사고 대응 책임은 다음과 같이 규정된다.

a) 환경사고를 유발한 단체· 개인은 사람·재산의 안전을 보장하도록 긴급조치를 시행 하여야 하며, 환경사고 발생 장소에서 사람을 구조하고 재산을 보호하며 지방관청 또는 전문기관에 적시에 통 보하여야 한다. b) 환경사고가 발생한 지방· 시설에서 그 해당 자치단체 및 시설의 장은 사고에 적시 에 대응하도록 인력, 물적자 원와 수단을 긴급히 조달할 책임이 있다. c) 환경사고가 여러 지방·시 설 범위 내에서 발생 시 사 고가 발생한 지방·시설의 장 은 환경사고 대응에 협조할 책임이 있다. d) 지방·시설의 대응력을 초 과하는 경우, 대표자는 다른 지방 및 시설이 적시에 환경 사고 대응에 참여할 수 있도 록 직속 상급기관에 긴급히 보고하여야 하며, 동원을 요 청받은 지방·시설은 자신의 능력 범위 내에서 환경사고 대응조치를 취하여야 한다.

2. 매우 중대한 환경사고에 대한 대응은 긴급상황 관련 법률 규정 에 따라 이행한다.

3. 법률 규정에 따라 환경사고 대응에 사용되는 인력, 자재, 수 단과 관련한 비용은 상환된다.

4. 환경사고로 인한 손해를 배상 할 의무는 이 법과 관련 법률 규 정에 따라 이행된다.

제110조 환경사고 대응부대 구축

1. 산업 시설, 상업 시설, 서비스 업 시설은 환경사고 예방 및 대 응 능력을 구축할 책임이 있다.

2. 국가는 환경사고 대응부대 및 환경사고 경고장치시스템을 구축 한다.

3. 단체·개인에게 환경사고 대응 서비스 시설에 투자할 것을 장려 한다.

제111조 환경사고로 인한 피해 확 인

1. 환경사고로 인한 피해에 대하 여 조사 및 확인할 사항은 다 음과 같다.

a) 환경사고로 인한 환경오염 지역의 범위, 경계 b) 오염정도 c) 원인, 관계자의 책임 d) 오염복구 및 환경복원 해 결방안 đ) 오염유발자에게 배상을 요 청하기 위한 환경에 대한 피 해

2. 환경사고로 인한 오염·피해 범위에 대한 조사·확인의 책임은 다음과 같이 규정된다.

a) 성급 인민위원회는 환경사 고로 인한 오염·피해의 범위 를 조사 및 확인하도록 실행 한다. b) 자원환경부는 각 지방급 인민위원회가 지방 간 구역 에서 환경사고로 인한 오염· 피해 범위를 조사 및 확인하 도록 지도한다.

3. 환경 관련 오염·피해의 원인, 정도, 범위에 대한 조사결과는 공개되어야 한다.

제112조 환경사고 복구 책임

1. 환경사고를 유발한 단체·개인은 다음의 책임을 진다.

a) 오염복구 및 환경복원에 관련된 범위·경계·정도·원인· 복구방법에 대한 조사기간 동안 국가관리기관의 환경보 호 관련 요구사항을 이행한 다. b) 지역 내에서의 인민의 건 강·생활에 영향을 끼치지 아 니하도록 환경오염원을 차단 ·제한하며 해결방안을 즉시 실행하고 확산을 최소화한 다. c) 환경보호 관련 국가관리기 관의 요구사항에 따라 오염 복구 및 환경복원 해결방안 을 이행한다. d) 이 법 및 관련 법률 규정 에 따라 손해를 배상한다. đ) 환경보호 관련 국가관리기 관에 환경사고 대응 및 복구 에 대하여 보고한다.

2. 하나 이상의 단체·개인이 공 동으로 환경오염을 유발한 경우, 각자의 책임에 대하여 합의가 불가능할 때에는 환경보호 관련 국 가관리기관이 관련 단체·개인과 협조하여 오염복구 및 환경복원 에서의 각 대상의 책임을 밝힌 다.

3. 자연재해로 야기되거나 원인 미상 환경사고의 경우, 각 부처 와 각급 인민위원회가 자신의 의 무·권한 범위 내에서 오염 처리· 복구를 위하여 재원을 조달할 책 임이 있다.

4. 지방 간 구역에서 환경사고가 발생하는 경우, 오염복구 및 환 경복원은 정부 총리의 지시에 따 라 이행한다.

제11장 환경기술규준, 환경기준

제113조 환경기술규준 체계

1. 주변환경질에 대한 기술규준 은 다음과 같다.

a) 토양에 대한 환경기술규준 그룹 b) 지표수 및 지하수에 대한 환경기술규준 그룹 c) 해수에 대한 환경기술규준 그룹 d) 대기에 대한 환경기술규준 그룹 đ) 소리, 빛, 방사선에 대한 환경기술규준 그룹 e) 소음, 진동에 대한 환경기 술규준 그룹

2. 폐기물에 대한 기술규준은 다음과 같다.

a) 산업·서비스업 폐수, 축산· 수산양식 폐수, 생활폐수, 교 통수단 및 기타 활동으로 배 출한 폐수에 대한 기술규준 그룹 b) 이동형 및 고정형 오염원 의 가스에 대한 기술규준 그 룹 c) 유해폐기물에 대한 기술규 준 그룹

3. 기타 환경기술규준 그룹

제114조 환경기술규준 수립 원칙

1. 환경보호 목표를 달성하고 충족하며, 환경에 대한 오염, 훼손 및 사고를 예방 및 복구한다.

2. 가능성이 있으며, 국가 사회· 경제 발전수준, 기술수준에 부합 하고 국제경제통합의 요구사항을 충족한다.

3. 생산 지역, 지구 및 산업분야 의 특성에 부합한다.

4. 지방 환경기술규준은 국가 환 경기술규준보다 엄격해야 하거나 특수성이 있는 환경에 대한 관리 와 관련한 요구사항을 충족하여 야 한다.

제115조 환경기술규준 기호

1. 국가 환경기술규준의 기호는 “QCVN 일련번호 MT: 발행연도 /BTNMT"이다.

2. 지방 환경기술규준의 기호 는 “QCĐP 일련번호 MT: 발행 연도/성·행정직할시 약칭"이다.

제116조 주변환경질의 기술규준에 대한 요구사항

1. 주변환경질 기술규준은 환경 구성요소의 사용 목적에 부합하 는 환경지표의 허용치를 다음과 같이 규정한다.

a) 사람과 생물의 정상적 성 장을 보장하는 환경지표의 최소치 b) 사람과 생물의 정상적 성 장에 악영향을 끼지지 아니 하는 환경지표의 최대허용치

2. 주변환경질 기술규준은 환경 지표를 확인하기 위한 측정·시료 채취·분석에 대한 기준을 안내하 여야 한다.

제117조 폐기물의 기술규준에 대 한 요구사항

1. 폐기물 기술규준은 환경오염 을 유발하지 아니하도록 하기 위 하여 폐기물에 함유된 오염유발 물질의 최대함량에 대하여 상세 히 규정해야 한다.

2. 폐기물에 함유된 오염유발물 질의 함량은 유해성, 발생한 폐기물의 양 및 폐기물 수용 환경 용량에 근거하여 결정된다.

3. 폐기물의 기술규준은 오염유 발물질의 함량을 확인하기 위한 샘플링·측정 및 분석에 대한 기 준을 안내하여야 한다.

제118조 환경기술규준 수립, 발행

1. 국가·지방 환경기술규준의 수 립·발행 및 적합인증에 관한 관 할, 절차, 수속은 기준 및 기술 규준에 관한 법률 규정에 따라 이행되어야 한다.

2. 자원환경부는 환경 관련 국가 기술규준을 발행한다.

3. 성급 인민위원회는 지방 환경 기술규준을 발행한다.

제119조 환경기준

1. 환경기준은 주변환경질기준, 폐기물기준 및 기타 환경기준을 포함한다.

2. 환경기준의 전체 또는 일부는 법률문서, 환경기술규준에 인 용 시 반드시 적용하여야 할 사 항이다.

3. 기초기준은 기준을 공포하는 단체의 관리범위 내에서 적용된 다.

제120조 환경기준 수립 검토 및 공포

1. 환경기준의 수립, 검토 및 공 포에 관한 관할, 절차, 수속은 기준 및 기술규준 관련 법률 규 정에 따라 이행되어야 한다.

2. 자원환경부 장관은 국가 환경 기준안을 수립하여 검토를 요청 한다.

3. 과학기술부 장관은 국가 환경 기준안을 검토하여 공포한다.

4. 기관, 단체는 기준 및 기술규 준 관련 법률 규정에 따라 환경 기초기준을 수립하고 공포한다.

제12장 환경관측

제121조 환경관측 활동

1. 환경보호 관련 기관, 단체는 주변환경의 관측을 실행한다.

2. 자원환경부는 환경에 영향을 끼칠 위험이 있는 산업 시설, 상 업 시설, 서비스업 시설에 대하 여 배출되는 폐기물질 목록을 발 행하며, 관측을 이행하도록 안내 한다.

3. 배출되는 폐기물질을 관측할 책임이 있으나 목록에 포함되지 아니한 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설은 환경기술규준 및 관련 법률 규정을 준수하도록 보장하여야 한다.

제122조 관측 대상의 환경요소 및 배출되는 폐기물질

1. 지표수, 지하수, 해수를 포함 하는 수환경

2. 실내 공기, 옥외 공기를 포함 하는 대기환경

3. 소음, 진동, 방사선, 빛

4. 토지환경, 퇴적물

5. 방사선

6. 폐수, 가스, 고형폐기물

7. 환경에 배출·축적된 화학물질

8. 생물다양성

제123조 환경관측 프로그램

1. 환경관측 프로그램은 강 유역 과 성 사이에 위치하는 호수, 중 점경제구역, 국경을 넘는 환경 및 특수성이 있는 지역에서의 환 경에 대한 환경관측 프로그램을 포함한다.

2. 성급 환경관측 프로그램은 지 역에서 환경요소 관측 프로그램 들을 포함한다.

3. 공업단지, 수출가공구역, 첨단 기술구역, 산업클러스터, 공예촌 및 산업 시설, 상업 시설, 서비 스업 시설에 대한 환경관측 프로 그램은 법률 규정에 따른 배출되 는 폐기물질 관측 및 환경요소 관측을 포함한다.

제124조 환경관측시스템

1. 환경관측 체계는 다음과 같 다.

a) 국가환경관측 b) 성급 환경관측 c) 산업 시설, 상업 시설, 서 비스업 시설에서의 환경관측

2. 환경관측체계에 참여하는 단 체는 다음과 같다.

a) 현장에서 시료채취를 하고 환경시료를 측정하는 단체 b) 환경시료를 분석 및 실험 하는 연구실 c) 환경관측장비를 점검하고 수리하는 단체 d) 환경관측 결과에 대하여 데이터를 관리·처리하고 보 고서를 작성하는 단체

3. 환경관측시스템은 동기화되고 연결되어 포괄적 통합 네트워크 를 구성하도록 계획되어야 한다.

제125조 환경관측 책임

1. 자원환경부는 전국적으로 환 경관측 활동에 대하여 지도, 안 내 및 감독하며, 국가환경관측 프로그램을 실행한다.

2. 성급 인민위원회는 지역에서 환경관측 프로그램을 실행하여 자원환경부 및 동급 인민의회에 환경관측 결과를 보고한다.

3. 공업단지, 수출가공구역, 첨단 기술구역, 산업클러스터, 공예촌, 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설은 폐기물 배출 및 환경요소 에 대한 관측 프로그램을 실행하 며, 법률 규정에 따라 환경보호 관련 국가관리기관에 보고하여야 한다.

제126호 환경관측 활동의 요건

1. 단체는 환경관측 전공을 가진 기술자 및 필요한 기술장비를 충 분히 갖추면 환경관측 활동에 참 여할 수 있다.

2. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제127조 환경관측 데이터 관리

1. 자원환경부는 환경관측 데이 터를 관리하며, 환경관측에 대한 국가데이터베이스를 구축하고, 환경관측 결과를 공포하고, 환경관측 데이터 관리에 기술지원 및 업무를 안내한다.

2. 성급 인민위원회는 환경관측 데이터를 관리하고 지방의 환경 관측 결과를 공포한다.

3. 공업단지, 수출가공구역, 첨단 기술구역, 산업클러스터, 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설 은 법률 규정에 따라 환경관측 데이터를 관리하고 환경관측 결 과를 공포한다.

제13장 환경정보, 환경지침, 환경 통계 및 환경 보고

제1절 환경정보

제128조 환경정보

1. 환경정보는 환경요소에 대한 수치·데이터, 환경에 미치는 영 향, 환경보호 관련 정책과 법률, 환경보호활동을 포함한다.

2. 환경데이터베이스란 환경보호 업무 및 공익활동을 위한 정보의 접근·사용 요구에 충족하도록 구축·업데이트 및 유지되는 환경정 보의 집합이다.

제129조 환경정보 수집 및 관리

1. 자원환경부는 각 부처 및 지 방자치단체가 환경정보를 수집 및 관리하고 국가환경데이터베이 스를 구축하도록 지도 및 협조한 다.

2. 각 부처, 각급 인민위원회는 자신의 임무·권한 범위 내에서 환경정보를 수집 및 관리하며, 각 부처 및 지방자치단체에 환경 데이터베이스를 구축하여 국가환 경데이터베이스와 통합시킨다.

3. 경제구역, 공업단지, 수출가공 구역, 첨단기술구역, 산업클러스 터, 공예촌, 산업 시설, 상업 시 설, 서비스업 시설은 생산·매매· 서비스 활동이 환경에 미치는 영 향에 관련된 환경자료를 작성하 고 정보를 관리한다.

제130조 환경정보 공포 및 제공

1. 환경에 미치는 영향 평가 보 고서를 작성해야 하는 대상에 포 함된 공업단지, 수출가공구역, 첨단기술구역, 산업클러스터, 산 업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설을 관리하는 단체·개인은 성 급 인민위원회 산하 환경관리기 관에 자신의 관리 범위 내에서의 환경정보를 보고할 책임이 있다.

2. 이 조 제1항에서 규정하는 대 상에 포함되지 아니한 산업 시 설, 상업 시설, 서비스업 시설은 현급·사급 인민위원회에 자신의 활동 관련 환경정보를 제공할 책 임이 있다.

3. 각 부처는 매년 자원환경부에 자신의 담당분야 및 관리부문과 관련된 환경정보를 제공할 책임 이 있다.

4. 자원환경부는 이 조에 대하여 상세히 규정한다.

제131조 환경정보 공개

1. 공개해야 하는 환경정보는 다 음과 같다.

a) 전략환경평가, 환경영향평가 및 환경보호계획에 대한 보고서 b) 배출원, 폐기물, 폐기물 처리에 대한 정보 c) 중대·매우 중대한 수준의 환경오염·훼손 지역, 환경사 고가 발생할 위험이 있는 지 역 d) 환경에 대한 보고서 e) 환경보호에 대한 감독, 감 사 결과 이 조에서 규정하는 정보는 국가 기밀목록에 포함되는 경우 공개 해서는 아니 된다.

2. 관련 대상이 편리하게 정보에 접근할 수 있는 형식으로 공개되 어야 한다.

3. 환경정보 공개기관은 법률 앞 에 정보의 정확성에 대하여 책임 을 진다.

제2절 환경지침 및 환경통계

제132조 환경지침

1. 환경지침이란 환경품질 평가· 모니터링, 환경현황 보고서 작성을 위하여 환경의 특정요소를 반 영하는 기본사항을 말한다.

2. 자원환경부는 국가환경지침표 를 수립·발행하고 이행하도록 안 내한다.

3. 성급 인민위원회는 국가환경 지침표를 바탕으로 지방환경지침 표를 수립·발행 및 이행한다.

제133조 환경통계

1. 환경통계란 시공간에 따른 환 경문제의 본질 및 변화를 반영하 는 기본지표에 대하여 조사·보고 ·통합·분석 및 공포하는 활동을 말한다.

2. 자원환경부는 환경통계 지표 체계를 발행하고 국가환경통계 업무를 실행하도록 하며, 환경통 계업무를 안내하고, 국가환경 통 계데이터베이스를 구축한다.

3. 각 부처는 관리 범위 내에서 환경통계 업무를 실행하도록 하 며, 해당 부문·분야의 국가환경 통계데이터베이스를 구축하고, 매년 자원환경부에 환경통계지표 에 대하여 보고한다.

4. 성급 인민위원회는 지방의 환 경통계 업무를 실행하도록 하며, 지방의 환경통계데이터베이스를 구축하고, 매년 자원환경부에 환 경통계지표에 대하여 보고한다.

제3절 환경 보고

제134조 연차 환경보호 업무 보고 의 책임

1. 사급 인민위원회는 동급 인민 의회 및 현급 인민위원회에 지역 에서의 환경보호 업무에 대하여 보고한다.

2. 현급 인민위원회는 동급 인민 의회 및 성급 인민위원회에 지역 에서의 환경보호 업무에 대하여 보고한다.

3. 성급 인민위원회는 동급 인민 의회 및 자원환경부에 지역에서 의 환경보호 업무에 대하여 보고 한다.

4. 공업단지, 수출가공구역, 첨단 기술구역, 산업클러스터의 관리 사무소는 성급 인민위원회에 환 경보호 업무에 대하여 보고한다.

5. 각 부처는 관리 범위 내에서 자원환경부에 환경보호 업무에 대하여 보고한다.

6. 환경자원부는 정부, 국회에 전국 범위의 환경보호 업무에 대 하여 보고한다.

7. 자원환경부는 환경보호 업무 보고서 작성을 안내한다.

제135조 환경보호 업무보고의 내 용

1. 환경요소의 현황, 변화

2. 폐기물 배출원의 규모, 성격 및 영향

3. 환경보호에 관한 법률 이행의 현황, 감사·감독의 결과

4. 중대한 환경오염을 유발한 시 설 목록 및 처리 현황

5. 환경보호 관련 재원

6. 환경보호 활동 및 관리업무 평가

7. 환경보호 방향 및 해결방안

제136조 연차 사회·경제 보고서에 서의 환경보호 내용

정부와 각급 인민위원회의 연차 사회·경제 보고서는 환경보호지 표 및 환경보호활동의 이행에 대 하여 평가하여야 한다.

제137조 환경현황 보고서 작성의 책임

1. 자원환경부는 5년마다 한 번 씩 국가환경현황 보고서를 작성 하며, 매년 국가환경에 대한 전 문보고서를 작성한다.

2. 성급 인민위원회는 5년에 한 번씩 지방의 환경현황 보고서를 작성하며, 지방환경 관련 긴급한 문제에 대한 전문 환경보고서 작 성을 결정한다.

3. 자원환경부는 환경현황 보고 서 작성에 관련된 업무를 안내한 다.

제138조 환경현황 보고의 내용

1. 사회, 경제, 자연에 대한 개요

2. 환경영향

3. 환경요소의 현황 및 변화

4. 환경 관련 긴급한 문제 및 그 원인

5. 사회·경제에 미치는 환경영향

6. 환경보호에 관한 법률, 정책 및 활동의 이행 현황

7. 환경 관련 도전과제의 예측

8. 환경보호 방향 및 해결방안

제14장 환경보호 관련 국가관리기 관의 책임

제139조 환경보호에 대한 국가 관 리의 내용

1. 관할에 따라 환경보호에 관한 법률문서의 수립·발행 및 실행, 환경기술규준·표준체계 발행

2. 환경보호 관련 전략, 정책, 프 로그램, 제안, 기본계획, 계획의 수립 및 이행 지도

3. 관측체계 실행·구축 및 관리, 정기적으로 환경현황 평가 및 환 경변화 예측

4. 환경보호 기본계획의 수립·검 토·승인, 전략환경평가 보고서 검토, 환경영향평가 보고서의 검 토·승인, 환경보호작업 감독 ·확 인, 환경보호계획의 확인 실행

5. 생물다양성 보존활동 지도·안 내 및 실행, 폐기물 관리, 오염 제어, 환경 개선·복원

6. 환경에 관한 허가서, 인증서 의 발급·연장·철회

7. 환경보호에 관한 법률 집행의 감사·감독, 환경보호 관련 국가 관리책임에 대한 감사, 환경보호 관련 이의신청·소송, 환경보호에 관한 법률위반 처분

8. 환경 과학 및 관리 인력의 훈 련, 환경보호에 관한 법률·지식에 대한 교육, 선전 및 보급

9. 환경보호 분야에서 과학기술 진보 연구·적용 실행

10. 환경보호활동을 위한 국가예 산 활용에 대하여 지도·안내·감 독 및 평가

11. 환경보호 분야의 국제협력

제140조 정부의 환경보호에 대한 국가관리 책임

정부는 전국 범위의 환경보호에 대한 국가관리를 통일시킨다.

제141조 자원환경부 장관의 환경 보호에 대한 국가관리 책임

자원환경부 장관은 정부에 앞서 환경보호에 대한 국가 통합 관리 에 대한 책임을 지며 다음의 책 임이 있다.

1. 환경보호에 관한 법률문서, 정책, 전략, 기본계획, 프로그램, 국가사업안을 수립하여 정부, 정부 총리에게 제시한다.

2. 관할에 따라 법률문서, 환경 관련 국가기술규준의 수립·발행 을 실행하며, 관할에 따라 기술 안내문서를 발행한다.

3. 성·부문 간의 환경문제를 처 리하기 위하여 자체 해결하거나 정부, 정부 총리에게 해결하게 하도록 제안한다.

4. 국가환경관측체계, 환경정보 및 환경보고서를 지도·안내 및 수립하며, 국가 및 지방의 환경 현황을 평가하기 위하여 지도·실 행한다.

5. 관할에 따라 환경보호 기본계 획에 대한 수립·검토·승인 활동 을 지도·안내 및 실행하며, 전략 환경평가 보고서를 검토하고, 환 경영향평가 보고서를 검토·승인 하고, 환경보호계획을 확인하고, 환경보호작업의 완료상태를 감독 ·확인한다.

6. 관할에 따라 환경보호에 관한 허가서·증명서의 발급·연장·철회 업무에 대하여 지도·안내 및 실 행하도록 한다.

7. 생물다양성, 생물안전성 보 존 활동을 이행하도록 지도 및 안내하고 실행하며, 폐기물을 관 리하고, 오염을 제어하고, 환경 을 개선 및 복원한다.

8. 친환경적이고 지속발전 가능 한 생산 및 소비에 대한 정책, 프로그램, 실험모형을 이행하도 록 수립 및 전개하며, 친환경 상 품·시설에 대하여 안내 및 인증 하고, 환경건강 개선활동을 지도 및 안내한다.

9. 환경보호에 관한 법률위반을 감독·감사 및 처리하며, 법률 규 정에 따라 환경보호 관련 이의신 청, 소송 및 청원을 처리한다.

10. 환경보호 관련 내용은 국토 사용 기본계획, 수자원 국가전략 및 지방 간의 강유역 종합기본계 획 또한 광물자원의 기본조사·탐 사·개발·가공에 대한 국가종합전 략에 삽입하도록 지도 및 안내한 다.

11. 평가지표를 수립·실행하고 전국 범위에서 환경보호에 관한 법률 집행의 현황을 시찰하며, 환경보호에 관한 법률에 대하여 방송·보급 및 교육한다.

12. 환경 관련 국제단체 가입 또 는 국제조약 체결·가입에 대하여 정부에 제시하며, 환경보호의 국 제협력 활동을 지도한다.

제142조 부급 장관·기관장의 환경 보호에 대한 국가관리 책임

1. 부급 장관·기관장은 자원환경 부 장관과 협조하여, 부처가 관 리 분야에서 환경보호 관련 시행 령, 연관시행령을 수립·발행하도 록 지도한다.

2. 부급 장관·기관장은 이 법에 서 규정하는 의무를 이행하고 자 원환경부 장관과 협조하여 자신 의 관리 범위에서 환경보호에 관 한 법률을 실행하며, 부처는 관 리 분야에서 환경보호 관련 국가 관리활동에 대하여 매년 정부에 보고한다.

3. 부급 장관·기관장의 책임은 다음과 같이 규정된다.

a) 기획투자부 장관은 자원환 경부 장관, 부급 장관·기관장 및 성급 인민위원회와 협조 하여 관리 분야에서 전국, 지역에 대한 전략, 종합기본 계획과 사회경제 발전계획, 국회·정부·정부 총리의 결정 권 아래의 사업·작업 그리고 투자 유치 활동에서 환경보 호의 요건을 충족하며 환경 보호에 관한 법률의 집행을 보장하도록 지도한다. b) 농업농촌개발부 장관은 자 원환경부 장관, 부급 장관·기 관장 및 성급 인민위원회장 과 협조하여 관리하는 농업 분야에서 약품, 식물보호제, 수의약품, 비료, 폐기물의 생 산·수입·사용 및 기타 활동 에서의 환경보호에 관한 법 률 이행을 지도한다. c) 산업무역부 장관은 자원환 경부 장관, 부급 장관·기관장 및 성급 인민위원회장과 협 조하여 관리 분야에서 중대 한 환경오염을 유발한 산업 시설을 처리하도록 지도하 며, 환경산업을 발전시키고 관리 분야의 환경보호에 관 한 법률을 이행하도록 한다. d) 건설부 장관은 자원환경부 장관, 부급 장관·기관장 및 성급 인민위원회장과 협조하 여 관리 분야에서 도시, 집 중서비스생산구역, 건설자재 생산시설, 공예촌, 집중농촌 거주지에서 급수, 배수, 고형 폐기물·폐수 처리에 관한 인 프라의 건설 및 기타 활동에 서 환경보호에 관한 법률을 이행하도록 지도한다. đ) 교통운송부 장관은 자원환 경부 장관, 부급 장관·기관장 및 성급 인민위원회장과 협 조하여 관리 분야에서 교통 인프라 건설, 교통운송수단 관리 및 기타 활동에서 환경 보호에 관한 법률을 이행하 도록 지도한다. e) 보건부 장관은 자원환경부 장관, 부급 장관·기관장 및 성급 인민위원회장과 협조하 여 관리 분야에서 의료·식품 위생안전·장례·화장 분야에서 환경보호에 관한 법률을 준수하도록 지도하며, 병원· 의료시설의 폐기물 배출원 통계, 오염정도 평가 및 기 타 활동을 실행하도록 한다. g) 문화체육관광부 장관은 자 원환경부 장관, 부급 장관·기 관장 및 성급 인민위원회장 과 협조하여 관리 분야에서 문화·축제·체육·관광 활동 및 기타 활동에서 환경보호에 관한 법률을 준수하도록 지 도한다. h) 국방부 장관은 자원환경부 장관, 부급 장관·기관장 및 성급 인민위원회장과 협조하 여 법률 규정에 따라 국방 분야의 환경보호에 관한 법 률을 준수하도록 지도하며, 법률 규정에 따라 환경사고 대응·복구 활동에 참여하는 부대를 동원하고, 관리 관할 하에 무장세력에서 환경보호 업무에 대하여 지도·안내·감 독 및 감사한다. i) 공안부 장관은 환경 관련 범죄 예방 활동을 실행·지도 하고 환경 분야의 질서유지 및 안녕을 보장하며, 법률 규정에 따라 환경사고 대응 활동에 참여하는 부대를 동 원하고, 관리 관할 하에 무 장세력에서 환경보호 업무에 대하여 지도·안내·감독 및 감사한다. k) 부급 장관·기관장은 이 법 에서 규정하는 의무를 이행 하고 자원환경부와 협조하여 관리 범위에서 환경보호에 관한 법률을 이행하도록 실 행한다.

제143조 각급 인민위원회의 환경 보호에 대한 국가관리 책임

1. 성급 인민위원회는 다음의 책 임이 있다.

a) 관할에 따라 환경보호에 관한 법률문서, 정책, 프로그 램, 기본계획, 계획을 구축 및 발행한다. b) 환경보호에 관한 법률, 전 략, 프로그램, 계획 및 임무 를 이행하도록 실행한다. c) 지방의 환경관측체계를 국 가환경관측 종합기본계획에 부합하도록 구축 및 관리한 다. d) 환경보고서를 평가 및 작 성한다. 환경보호에 관한 법 률, 정책에 대하여 방송·보급 및 교육한다. đ) 환경보호 기본계획을 검토 ·승인하며, 환경영향을 보고 하고, 환경보호작업이 완료 되었음을 확인하며, 관할에 따라 환경보호계획을 감독하 여 확인하도록 안내하고 실행한다. e) 관할에 따라 환경보호에 관한 허가서, 증명서를 발급· 연장 및 철회한다. g) 환경보호에 관한 법률위반 을 감독·감사 및 처리하며, 이의신청, 소송에 관한 법률 규정에 따라 환경에 대한 이 의신청, 소송 및 청원을 처 리하고, 성급 인민위원회와 협조하여 지방 간 환경문제 를 해결한다. h) 정부에 앞서 지역에서의 환경오염 유발에 대하여 책 임을 진다.

2. 현급 인민위원회는 다음의 책 임이 있다.

a) 관할에 따라 환경보호에 관한 규정, 프로그램, 계획을 발행한다. b) 환경보호에 관한 전략, 프 로그램, 계획 및 의무를 실 행하도록 한다. c) 관할에 따라 환경보호 계 획 이행에 대하여 확인 및 감독한다. d) 매년 환경보호 업무에 대 하여 평가 및 보고서 작성을 실행한다. đ) 환경보호에 관한 정책 및 법률을 방송·보급 및 교육한 다. e) 환경보호 관한 법률위반을 감독·감사 및 처리하며, 이의 신청·소송 관련 법률 규정에 따라 환경에 대한 이의신청, 소송 및 청원을 처리한다. g) 현 간 환경문제를 해결하 기 위해 성급 인민위원회와 협조한다. h) 사급 인민위원회의 환경보 호에 대한 국가관리 업무를 지도한다. i) 지역에서 중대한 환경오염 이 유발되는 경우 성급 인민 위원회에 앞서 책임을 진다.

3. 사급 인민위원회는 다음의 책 임이 있다.

a) 지역에서 환경보호, 환경 위생유지를 위하여 계획을 수립하고 의무를 실행하며, 인민에게 자치 규약에서의 환경보호 내용을 수립하도록 동원하고, 마을·고장·부락·거 주지·모범가정 평가 시 환경 보호에 관한 지표를 적용하 도록 안내한다. b) 위임에 따라 환경보호 계 획 이행을 확인 및 감독하 며, 가구·개인의 환경보호에 관한 법률 이행을 감독한다. c) 관할에 따라 환경보호에 관한 법률위반을 적발 및 처 리하거나, 환경보호 관련 직 속 상급 국가관리기관에 보 고한다. d) 중재 관련 법률 규정에 따 라 지역에서 발생하는 환경 분쟁을 중재한다. đ)마을·고장·부락·거리그룹 및 자치단체의 지역에서 환경위 생 유지, 환경보호에 관한 활동을 관리한다. e) 매년 환경보호에 대하여 업무를 평가하고 보고서를 작성하도록 실행한다. g) 산업 시설, 상업 시설, 서 비스업 시설과 협조하여 지 역 공동체에 산업 시설, 상 업 시설, 서비스업 시설의 환경보호에 대한 정보를 공 개하도록 실행한다. h) 지역에서 중대한 환경오염 을 유발하는 경우 성급 인민 위원회에 앞서 책임을 진다.

제15장 환경보호와 관련한 베트남 조국전선, 사회정치단체, 사회직업 단체 및 지역 공동체의 책임

제144조 베트남 조국전선의 책임 및 권한

1. 베트남 조국전선은 자신의 의 무·권한 범위 내에서 회원단체 및 인민에게 환경보호 활동에 참 여하도록 선전 및 운동할 책임이 있다.

2. 베트남 조국전선은 법률 규정에 따라 환경보호에 대한 정책, 법률의 이행을 자문·비판 및 감 독한다. 각급 국가관리기관은 베 트남 조국전선이 환경보호에 참 여하도록 여건을 마련한다.

제145조 사회정치단체, 사회직업 단체의 책임 및 권한

1. 사회정치단체, 사회직업단체 는 다음에 대한 책임을 진다.

a) 환경보호에 관한 법률을 준수한다. b) 환경보호 활동에 참여한 다.

2. 사회정치단체, 사회직업단체 는 다음의 권한이 있다.

a) 법률 규정에 따라 환경보 호에 대한 정보를 제공받고 요청한다. b) 자신의 기능, 의무 및 권 리과 관련된 계획안에 대해 자문한다. c) 법률 규정에 따라 관련 국 가관리기관 및 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설의 환경보호에 대하여 자문 및 비판한다. d) 자신의 기능·의무·권한에 관련된 산업 시설, 상업 시 설, 서비스업 시설의 환경보 호에 대한 감독 활동에 참여 한다. đ) 환경보호 관한 법률위반행 위에 대하여 관할 국가기관 에 건의한다.

3. 각급 환경관리기관은 사회정 치단체, 사회직업단체가 이 조 제2항에서 규정하는 권한을 이 행하도록 여건을 마련한다.

제146조 지역 공동체의 권한 및 의무

1. 산업 시설, 상업 시설, 서비스 업 시설로부터 영향을 받는 지역 의 지역 공동체 대표자는 그 산 업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설 소유자에게 환경보호에 대 한 정보를 대화나 서면으로 직접 제공하도록 요청할 권한이 있으 며, 산업 시설, 상업 시설, 서비 스업 시설의 환경보호 업무에 대 하여 실질적으로 파악하며, 관할 기관에 정보를 제공하고 제공한 정보에 대하여 책임을 진다.

2. 산업 시설, 상업 시설, 서비스 업 시설로부터 영향을 받는 지역 의 지역 공동체 대표자는 관련 국가관리기관에 그 시설에 대한 감사·감독·처리 결과를 제공하도 록 요청할 권한이 있다.

3. 지역 공동체 대표자는 산업 시설, 상업 시설, 서비스업 시설 의 환경보호 결과를 평가하는 데 참여할 권한이 있으며, 법률 규 정에 따라 지역 공동체의 권한 및 이익을 보호하기 위한 방안을 이행한다.

4. 산업 시설, 상업 시설, 서비스 업 시설의 소유자는 이 조에서 규정하는 바와 같이 지역 공동체 대표자의 요청에 따라야 한다.

제16장 환경보호 관련 재원

제147조 환경보호를 위한 국가예 산 지출

1. 환경보호활동을 위한 지출 항 목에는 다음이 포함된다.

a) 환경보호 관련 전략, 기본 계획, 기술과정, 기술안내, 경제기술명세서, 환경기술규 준, 프로그램, 사업의 수립 b) 환경기본계획, 전략환경평 가보고서의 검토 c) 환경관측의 활동, 환경정 보 및 환경보고 체계 구축 d) 감사·감독 업무의 지원, 환경오염 제어, 환경오염 처 리, 환경사고 예방·대응·복구 그리고 폐기물 관리 및 생물 다양성 보존, 환경보호에 대 한 교육·방송, 환경보호에 관 한 법률 보급 및 현황 평가, 환경보호에 대한 국제협력 đ) 기타 환경보호 관리활동

2. 환경보호 개발투자를 위한지 출은 국가관리 하의 건설사업, 폐기물처리시설물 개조, 환경 관측·분석 사무소 건설 및 장 비 구축을 위한 지출 그리고 환경오염·훼손·사고의 예방·대 응·복구를 위한 수단·장비 구 축, 기후변화에 대응, 생물다 양성 보존, 공공장소·공익지역 에서 오염된 수자원 회복 및 나무 심기·관리를 위한 투자를 포함한다.

3. 환경보호를 위한 예비비 수립 및 국가예산 사용 관리는 국가예 산 관련 법률 규정에 따라 이행 한다.

제148조 환경보호비용

1. 환경에 폐기물을 배출하거나 환경에 악영향을 끼친 단체·개 인은 환경보호비용를 납부하여 야 한다.

2. 환경보호비용은 다음에 근거 하여 규정된다.

a) 환경에 배출한 페기물량, 환경에 악영향을 끼치는 규 모 b) 폐기물의 유해 정도, 환경 에 악영향을 끼치는 정도 c) 폐기물을 수용하는 환경용 량

3. 환경보호비용은 국가 각 단계 의 사회경제적 조건 및 환경보호 수요에 부합하도록 조정된다.

4. 납입된 환경보호비용은 환경 보호 활동에 사용된다.

제149조 환경보호기금

1. 환경보호기금이란 환경보호 활동을 지원하기 위하여 중앙정 부, 각 분야, 각 부문, 성, 중앙 직할시 단위로 설립되는 금융기 관이다.

국가는 기업·단체·개인에게 환경 보호기금을 설립하도록 장려한 다.

2. 국가·성급 환경보호기금의 활 동 예산은 다음의 자금으로 형성 된다.

a) 국가 지원예산 b) 환경보호비용 c) 국가에 납부하는 환경피해 에 대한 배상금 d) 국내외 단체·개인의 지원 금, 기여금, 위탁투자금

3. 환경보호기금의 설립 관할은 다음과 같이 규정된다.

a) 정부 총리는 국가환경보호 기금 및 부·부급 기관·경제 그룹·국영기업의 환경보호기 금에 관한 설립, 조직 및 활 동을 결정한다. b) 성급 인민위원회는 성급 환경보호기금의 설립·조직 및 활동을 결정한다. c) 단체·개인은 자신의 환경 보호기금을 설립하고 기금의 정관에 따라 활동한다.

제150조 환경서비스 개발

1. 국가는 다음의 분야에서 입찰 형식 및 공공·민간협력 체제를 통하여 환경서비스 기업을 설립 하도록 장려한다.

a) 폐기물 수집, 운반, 재활 용, 처리 b) 환경 관측·분석 및 환경영 향 평가 c) 환경기술, 친환경적 생산 기술의 개발 및 이전 d) 환경정보에 대하여 자문, 교육, 제공 đ) 물품, 기계, 설비, 기술 관 련 환경 진단 e) 환경피해에 관련 진단, 환 경건강 진단 g) 환경보호 관련 기타 서비 스

2. 자원환경부 장관은 부급 장관 ·기관장과 협조하여 이 조 제1항 의 규정 이행을 안내하도록 지도 및 협조한다.

제151조 환경보호활동을 위한 우 대, 지원

1. 국가는 다음의 환경보호 활동 을 우대 및 지원한다.

a) 생활폐수처리시스템 구축 b) 일반 고형폐기물, 유해폐 기물의 재활용·처리 시설 및 폐기물 매립장소 건설 c) 환경관측 사무소 건설 d) 공익을 위한 환경산업 시 설, 환경보호작업 건설 đ) 친환경 상품의 생산 및 사 업 e) 중대한 환경오염을 발생시 키는 공업단지, 산업클러스 터의 활동 전환

2. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제152조 환경보호 관련 과학·기술 의 개발 및 응용

1. 환경보호 관련 과학 및 기술 의 연구·이전·개발 및 응용에 투 자하는 단체·개인은 우대 및 지 원을 받는다.

2. 환경보호 관련 기술의 연구· 이전·개발 및 응용에 우선시되는 활동은 다음과 같다.

a) 폐기물 재생·재활용 기술 의 연구·이전·개발 및 응용 b) 친환경 기술 및 천연자원 의 효율적 개발·사용 기술, 에너지 절약, 자연과 생물다양성 보존을 위한 기술에 대 한 연구·이전·개발 및 응용 c) 폐기물 처리, 오염 예방· 감소 및 환경품질 복구·개선 을 위한 기술에 대한 연구· 이전·개발 및 응용, d) 환경품질 관측·평가 및 환 경변화 예측·조기경고를 위 한 기술, 오염제어 기술에 대한 연구·이전·개발 및 응 용 đ)환경변화에 대응하는 방안 수립에 대한 연구 e) 환경건강 개선, 사람에 대 한 환경의 악영향 저감을 위 한 해결방안에 대한 연구 및 응용

제153조 환경산업 개발

국가는 환경산업을 개발하는 단 체·개인을 위해 투자하고 지원정 책을 마련하며, 폐기물 처리 및 재생 기술기반에 투자하고 이를 향상시키기 위해 노력하며, 폐기 물 집중처리·재생구역을 형성 및 개발하고, 환경보호 요구사항에 충족하는 장비·상품을 생산 및 공급한다.

제154조 환경보호에 관한 법률 방 송·보급

1. 환경보호에 관한 법률 보급· 교육은 상시로 널리 이행되어야 한다.

2. 환경보호 성과가 우수한 기관 ·단체·개인은 경쟁포상에 관한 법률 규정에 따라 포상을 받게 된다.

3. 자원환경부는 환경보호 관련 법률에 대하여 보도할 책임이 있 는 정보기관, 방송사, 언론사와 협조하고 지도한다.

4. 부, 부급 기관은 관리 분야에 서 자원환경부, 환경보호 법률에 대하여 보도하는 책임이 있는 정 보기관, 방송사, 언론사와 협조 하고 지도한다.

제155조 환경 교육, 환경보호 인적자원 훈련

1. 각급 일반교육의 정규 교과과 정은 환경 교육에 관한 내용을 포함하여야 한다.

2. 국가는 환경보호 인적자원을 우선적으로 훈련시키며, 모든 단 체·개인에게 환경 교육 및 환경 보호 인적자원 훈련에 참여하도 록 장려한다.

3. 교육부 장관은 자원환경부와 협조하여 환경 교육 및 환경보호 인적자원 훈련 과정에 대하여 상 세히 규정하도록 지도한다.

제17장 환경보호에 관한 국제협력

제156조 환경에 관한 국제조약 체 결, 가입

전세계 환경, 지역 환경, 국내 환경에 유리하고 베트남 사회주 의공화국의 이익·능력에 부합하 는 국제조약은 우선적으로 고려 되어 체결 및 가입하도록 한다.

제157조 국제경제통합과정에서의 환경보호

1. 국가는 지역 및 국제시장에서 물품·서비스의 경쟁력을 향상하 기 위하여 기관·단체·개인에게 환경 관련 요구사항을 주도적으 로 충족하도록 장려한다.

2. 국제경제통합에 참여하는 기 관·단체·개인은 국내환경에 미치 는 악영향을 예방 및 제한하는 책임을 진다

제158조 환경보호에 관한 국제협 력 확대

1. 국가는 국내 환경보호 업무의 효율성을 향상하고 지역 및 국제 차원에서 환경보호에 대한 베트 남사회주의공화국의 위치·역할을 증진하기 위해서 단체·개인이 외 국 단체·외국인, 외국에 정착한 베트남인과 협력하도록 장려한 다.

2. 국가는 외국 단체·외국인, 외 국에 정착한 베트남인이 환경보 호 분야에서 인적자원 훈련·기 술이전·자연보존 활동 및 기타 활동에 투자하고 지원하도록 유 리한 조건을 조성하며, 환경보호에 관한 국제협력 자원을 효 과적으로 개발하고 활용한다.

3. 국가는 천연자원 관리·개발및 관련 환경보호 문제를 해결하기 위하여 이웃나라·지역과의 협력 을 강화한다.

제18장 환경에 관한 감사, 감독, 위반사항 처리, 분쟁해결, 이의신 청, 소송

제159조 환경보호에 관한 감사·감 독의 실행 및 지도 책임

1. 자원환경부 장관은 전국 범위 에서 법률 규정에 따라 환경보호 감사·감독를 실행하고 지도한다.

2. 국방부 장관, 공안부 장관은 국방, 안보 관련 국가비밀에 속 하는 시설, 사업, 사업장에 대한 환경보호를 감사·감독하도록 실 행하고 지도한다.

3. 각급 인민위원회의 장은 지 역에서 환경보호에 관한 법률 규 정에 따라 감독·감사를 실행하고 지도한다.

제160조 위반사항 처리

1. 환경보호에 관한 법률을 위반 하거나 환경오염 및 환경을 훼 손하거나 환경사고를 유발하 고, 기타 단체·개인에게 피해 를 끼친 단체·개인은 이 법과 관련 법률 규정에 따라 오염복 구, 환경복원, 손해배상 등의 처리에 대한 책임을 진다.

2. 기관·단체의 장, 간부, 공직자 가 직무·권한을 남용하여 단체 ·개인에게 불편을 주거나 괴롭 히며, 환경보호에 관한 법률 위반자를 은폐하거나 업무태만 으로 인해 환경오염·사고를 발 생시키면 위반 성격·정도에 따 라 징계를 받거나 형사책임을 지도록 한다. 피해를 발생시킬 경우에는 법률 규정에 따라 배 상하여야 한다.

제161조 환경에 대한 분쟁

1. 환경 관련 분쟁은 다음을 포 함한다.

a) 환경요소 개발·사용에 있 어서의 환경보호 권한·책임 에 대한 분쟁 b) 환경 오염·훼손·사고를 유 발하는 원인의 확인에 대한 분쟁 c) 환경 오염·훼손·사고로 인 한 여파 복구, 손해배상, 처 리책임에 대한 분쟁

2. 환경 분쟁의 당사자는 다음과 같다.

a) 환경요소 사용을 서로 다 투는 단체·개인 b) 환경요소를 개발·사용하는 단체·개인, 그리고 오염·훼손 한 환경 지역 개조·복원 및 환경 관련 손해를 배상할 책 임이 있는 단체·개인

3. 환경에 대한 분쟁해결은 계약 외 민사소송 해결에 관한 법률 규정에 따라 이행된다.

4. 베트남사회주의공화국이 당사 국인 국제협약에서 규정하는 기 타의 경우를 제외하고, 하나 이 상의 당사자가 외국단체 또는 외 국인인 경우 베트남사회주의공화 국 영토에서의 환경에 대한 분쟁 은 베트남사회주의공화국의 법률 에 따라 해결된다.

제162조 환경에 관한 이의신청, 고발, 소송

1. 단체·개인은 법률 규정에 따 라 환경보호에 관한 법률 위반행 위에 대하여 이의신청·고발 및 소송을 제기할 권한이 있다.

2. 개인은 소송 관련 법률 규정 에 따라 관할 기관·담당자에게 환경보호에 관한 법률 위반에 대 하여 소송할 권한이 있다.

3. 환경에 대한 소송의 효력 시 점은 피해를 입은 단체·개인이 기타 단체·개인의 환경보호에 관 한 법률 위반행위를 적발하게 된 시점으로부터 계산된다.

제19장 환경에 대한 손해배상

제163조 환경오염·훼손으로 인한 피해

환경오염·훼손으로 인한 피해는 다음과 같다.

1. 환경 기능·유용성 감소

2. 환경 기능·유용성 감소의 여 파로 인한 사람의 생명·건강, 단 체·개인의 재산 및 적법한 이익 에 관한 피해

제164조 환경오염을 유발한 단체· 개인에 대한 책임 처리원칙

1. 관할 국가관리기관은 환경오 염 및 환경오염으로 인한 여파에 대하여 적시에 연구·조사 및 결 론을 내려야 한다.

2. 단체·개인이 환경오염·훼손을 발생시키는 행위는 적시에 발견 하여 법률 규정에 따라 처리하여 야 한다.

3. 개인에 대한 책임 확인의 원 칙은 다음과 같이 규정된다.

a) 단체의 대표자는 자신의 단체 활동에 연관된 환경보호에 관한 법률 위반행위에 대하여 책임을 져야 한다. b) 환경오염·훼손을 발생시킨 단체·개인은 자신의 행위로 인한 여파를 복구하고 손해 를 배상할 책임을 진다. c) 단체로부터 업무를 위탁받 은 개인이 환경오염·훼손을 발생시키는 경우 해당 단체 가 법률 규정에 따라 손해배 상 책임을 진다.

제165조 환경오염·훼손으로 인한 피해 확인

1. 환경의 기능·유용성 감소는 다음의 정도를 포함한다.

a) 감소 b) 중대 감소 c) 매우 중대한 감소

2. 기능·유용성이 감소한 환경의 범위·경계에 대한 확인은 다음과 같다

a) 중대 감소 및 매우 중대한 감소 지역, 핵심지대의 경계· 면적 확인 b) 감소한 완충지대의 경계· 면적 확인 c) 핵심지대 및 완충지대로부 터 영향을 받은 기타 지역의 경계·면적 확인

3. 감소한 환경요소의 확인은 다 음을 포함한다.

a) 감소된 환경요소의 수, 피 해 생태계·종의 유형 확인 b) 각 환경요소, 생태계, 종 의 피해정도

4. 환경에 대한 손해비용 계산은 다음과 같이 규정한다.

a) 환경요소의 기능·유용성 감소로 인한 단기 및 장기 손해비용 b) 환경 처리·개조 및 복원 비용 c) 피해의 원인 축소 또는 제 거 비용 d) 관계자 의견 조사 đ) 구체적인 조건에 따라 환 경손해비용을 추산하여 환경 손해배상 및 손해처리의 근 거로 하기 위해 이 조 제a호 부터 제d호에서 규정하는 조 치 중 하나를 적용할 수 있 다.

5. 환경의 기능·유용성 감소로 인한 피해의 확인은 가해자와 피 해자가 각자 독립적으로 하거나 상호 협력을 통해 진행된다. 각 당사자 또는 여러 당사자가 요청 하는 경우 환경보호 관련 전문기 관은 피해 확인 방법을 안내하거 나 피해 확인을 목격하도록 참여 할 책임이 있다.

6. 환경오염·훼손으로 인한 사람 의 건강·생명, 단체·개인의 합법 적 재산·이익에 대한 피해 확인 은 법률 규정에 따라 이행된다.

7. 정부는 이 조에 대하여 상세 히 규정한다.

제166조 환경 기능·유용성 감소로 인한 피해 진단

1. 환경 기능·유용성 감소로 인한 피해 진단은 피해를 입은 단 체·개인 또는 환경 손해배상 처 리기관의 요청에 따라 이행된다.

2. 피해 진단의 근거는 배상청구 서류, 피해보상청구 및 피해자에 관련 정보·숫자·증거 및 기타 근 거를 포함한다.

3. 피해 진단기관의 선정은 배상 청구자와 가해자의 합의로 이루 어지며, 합의가 불가능한 경우 피해 진단기관의 선정은 손해배 상 처리를 담당하는 기관에 의하 여 이행된다.

제167조 환경에 대한 손해배상 책 임보험

1. 국가는 보험회사가 환경손해 배상 책임보험을 이행하도록 장 려한다.

2. 국가는 산업·매매·서비스 분 야에서 활동하는 단체·개인이 환 경손해배상 책임보험에 가입하도 록 장려한다.

3. 산업·매매·서비스 분야에서 활 동하는 단체·개인이 환경에 큰 피 해를 유발할 위험이 우려되면 정 부의 규정에 따라 손해배상 책임 보험에 가입하여야 한다.

제20장 시행조항

제168조 경과조항

1. 이 법의 효력이 발생하기 전 관할 국가기관에 환경 행정절차 를 위해 접수된 서류는 접수시점 의 법률 규정에 따라 처리된다.

2. 환경보호법 제52/2005/QH11 호의 규정에 따라 환경에 관한 허가서, 증명서를 발급받은 단체 ·개인은 그 허가서, 증명서에 기 재된 종료기간까지 지속하여 이 행한다.

제169조 시행효력

이 법은 2015년 1월 1일부터 효 력을 발생한다. 환경보호법 제52/2005/QH11호 는 이 법의 효력이 발생하는 날 부터 그 효력이 상실된다.

제170조 상세규정

정부는 법에서 기재한 각 조, 항 을 상세히 규정한다. 이 법은 2014년 6월 23일 베트 남 사회주의공화국 제13대 국회 제7차 회기에서 통과되었다. 국회의장 (서명함) 응웬 싱 훙